Tiếng Việt | English

14/01/2022 - 16:25

Bảo vệ trẻ em trên mạng xã hội

Việc phát tán, đăng tải, chia sẻ thông tin chi tiết về hình ảnh, đời sống của trẻ em trên mạng là vi phạm quyền riêng tư, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đối với trẻ. Mặt khác, khi trẻ em tương tác, sử dụng mạng xã hội cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro khi tiếp cận những thông tin ngoài ý muốn, tiêu cực, độc hại, nội dung không phù hợp với lứa tuổi.

Phụ huynh cần quan tâm nhiều đến việc trẻ em tương tác, sử dụng mạng xã hội

Ngăn chặn phát tán hình ảnh trẻ em ỏ "Tịnh thất Bồng Lai"

Gần đây, Cục Trẻ em có công văn gửi Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đề nghị bảo vệ trẻ em trên không gian mạng liên quan vụ vi phạm tại nơi tự xưng là "Tịnh thất Bồng Lai" hay còn gọi là "Thiền am bên bờ vũ trụ" (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Công văn của Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nêu rõ, trên mạng xã hội, Facebook đăng tải, chia sẻ các thông tin, hình ảnh, tên tuổi của các em nhỏ tại “Tịnh thất Bồng Lai” vi phạm đến bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ.

Cục Trẻ em đề nghị Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) kiểm tra và có biện pháp ngăn chặn, xử lý theo quy định của Luật Trẻ em, Nghị định 56/2017/NĐ-CP, ngày 09/5/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em, Nghị định 130/2021/NĐ-CP,
ngày 30/12/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

Theo quy định pháp luật, việc tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ từ 7 tuổi trở lên hoặc cha mẹ, người giám hộ cũng là hành vi nghiêm cấm, vi phạm quy định về bảo vệ trẻ em, có thể bị xử phạt hành chính đến 30 triệu đồng và bị buộc thu hồi, gỡ bỏ. Việc chia sẻ hình ảnh tràn lan đi kèm thông tin chưa được kiểm chứng có thể khiến các em bị tổn thương. Hình ảnh trên, nhiều năm sau vẫn có thể bị "đào bới" lại khiến các em bị ảnh hưởng tương lai, đời sống riêng tư.

Ngoài ra, việc trẻ em tương tác, sử dụng mạng xã hội cũng được cộng đồng quan tâm. Cùng với những mặt tích cực như giúp trẻ có cơ hội tiếp cận với nguồn thông tin phong phú, hữu ích, hay tăng cường tương tác xã hội thì Internet, mạng xã hội cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em. Chị Lê Thị Thu (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) kể: “Trên mạng xã hội có những clip, hình ảnh được cho là dành cho thiếu nhi nhưng lời lẽ khá thô lỗ, tục tĩu, hành động bạo lực, mê tín,... Điều này rất dễ dẫn đến trẻ em bắt chước”.

Thời gian qua, còn có những trường hợp trẻ em sử dụng mạng xã hội vào mục đích nói xấu,chế giễu, chửi bới, hăm dọa, thách thức, quay clip bạo lực, đánh nhau đăng lên mạng. Mạng ảo nhưng hậu quả thật, điều này không chỉ là cảnh báo mà thời gian qua đã xảy ra trong thực tế. Có trường hợp bị những tác động tiêu cực từ mạng xã hội dẫn dắt dẫn đến có hành vi vi phạm pháp luật, có em bị ảnh hưởng đến sức khỏe, sang chấn tâm lý.

Còn theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, qua mạng xã hội, trẻ cũng có thể tiếp cận với thông tin giả, bị bắt nạt; lộ thông tin cá nhân; bị gạ gẫm, xâm hại tình dục; bị dụ dỗ, lôi kéo truy cập vào trang có thông tin xấu, độc hoặc nội dung lừa đảo. Những sự xâm hại với trẻ em qua môi trường mạng nguy hiểm không kém gì đời thực. Những hình ảnh, clip xấu, độc nếu phát tán, lan truyền trên mạng có thể xảy ra những hệ lụy, gây tổn thương dai dẳng đến tâm, sinh lý và sự phát triển bình thường của trẻ.

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã trở thành vấn đề cấp bách hiện nay. Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, hàng năm, các cấp, các ngành phối hợp thực hiện đợt cao điểm Tháng hành động Vì trẻ em. Qua nhiều hoạt động đã truyền tải thông điệp tới cộng đồng, đặc biệt là các bậc phụ huynh về việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em cả vật chất lẫn tinh thần. Trong đó, rất quan tâm đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Bảo vệ thông tin đời tư, cá nhân của trẻ em

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Phan Thị Nguyệt, các cấp, các ngành thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền cho trẻ em kiến thức về sử dụng Internet, mạng xã hội hiệu quả và lồng ghép trong các hoạt động cho trẻ em; tăng cường triển khai các hoạt động lành mạnh trên mạng xã hội cho trẻ em tham gia nhằm tạo sân chơi bổ ích, giúp các em có môi trường vui chơi, giải trí, học tập. Ngoài các cơ quan chức năng, chính quyền, nhà trường thì gia đình chính là "lá chắn" vô cùng quan trọng trong bảo vệ con em trước những mối nguy cơ tiêu cực trên mạng xã hội.

Mới đây, chương trình Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào đầu tháng 6. Đây là lần đầu tiên một chương trình cấp quốc gia về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng được ban hành và có tính liên ngành cao khi có sự vào cuộc của các bộ: Thông tin và Truyền thông, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Công an. Một trong những mục tiêu của chương trình là truyền thông đến toàn xã hội, tập trung vào các đối tượng là cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ về kiến thức, kỹ năng hỗ trợ, định hướng trẻ em tương tác an toàn, lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng,...

Thực hiện theo chương trình này, tháng 9-2021, UBND tỉnh ban hành kế hoạch và chỉ đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh thực hiện chương trình Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành quan tâm thực hiện tốt công tác bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em và ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm; trang bị kiến thức, kỹ năng cho trẻ em theo từng độ tuổi để biết tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn trên môi trường mạng.

Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông về kiến thức, kỹ năng hỗ trợ, định hướng trẻ em tương tác an toàn, lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng. Thực hiện các giải pháp chủ động phòng ngừa, phát hiện các hành vi xâm hại trẻ em trên mạng xã hội; có các giải pháp hỗ trợ kịp thời, phù hợp để trẻ phục hồi khi chịu tác động tiêu cực từ môi trường mạng.

Mục tiêu tỉnh đề ra là đến năm 2025 có 100% các trường tiểu học, THCS, THPT và các cơ sở bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em định kỳ tổ chức chương trình tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng cần thiết cho trẻ em để tham gia môi trường mạng an toàn. 100% trẻ em là nạn nhân bị xâm hại trên môi trường mạng được hỗ trợ, can thiệp khi có yêu cầu.

Tỉnh phấn đấu 100% tổ chức, cá nhân khi bị tố giác, phát hiện vi phạm quy định pháp luật đối với trẻ em trên môi trường mạng bị xử lý; đồng thời, chương trình cũng cung cấp dịch vụ, ứng dụng cho trẻ em, triển khai các giải pháp để bảo vệ trẻ em và hỗ trợ cha, mẹ hoặc người chăm sóc trẻ em quản lý việc sử dụng ứng dụng, dịch vụ của trẻ em./.

Vũ Quang

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích