Tiếng Việt | English

28/05/2022 - 16:04

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Sự phát triển mạnh mẽ của Internet và các thiết bị thông minh đã giúp con người, trong đó có trẻ em dễ dàng tiếp cận nhiều thông tin. Với trẻ em, Internet cung cấp kiến thức, phương thức học tập, giải trí và tăng cường tương tác xã hội. Tuy nhiên, môi trường này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro đối với trẻ.

Trẻ em chưa có đủ kiến thức để tự bảo vệ mình trên môi trường mạng

Trẻ em chưa có đủ kiến thức để tự bảo vệ mình trên môi trường mạng

Thời gian tiếp xúc Internet ngày càng nhiều

Là công nhân làm việc tại một khu công nghiệp trên địa bàn huyện Bến Lức, tỉnh Long An thời gian đi làm tại công ty của chị Nguyễn Ngọc Mai (ấp 4, xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ) thường hơn 8 giờ mỗi ngày, chưa kể thường xuyên phải tăng ca. Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh, con gái hơn 5 tuổi của chị không thể đến trường, phải nhờ người thân trông giúp. Vì vậy, thời gian bé tiếp xúc với tivi, điện thoại tương đối nhiều. Chị Mai cho biết: “Vẫn biết con không được đến trường sẽ ít có cơ hội vận động, giao tiếp nhưng vì quá bận rộn và mệt mỏi sau giờ tan ca, tôi chỉ có thể cho con giải trí bằng cách xem những clip trên mạng. Giờ bé chỉ ngồi yên khi được xem điện thoại, ngay cả phải cho xem điện thoại thì mới chịu ăn”.

Hay gia đình ông Trần Văn Cường (xã Tân Ân, huyện Cần Đước), để các con yên tâm đi làm, ông Cường nhận trông cháu trong giai đoạn các trường học phải tạm đóng cửa để phòng, chống dịch Covid-19. Ông Cường cho biết: “Ở nhà phòng dịch, các cháu lớn học online, còn các cháu nhỏ thì lên mạng chơi game và xem các chương trình giải trí nên thời gian tiếp xúc với Internet tăng lên rất nhiều. Việc quản lý, hướng dẫn các cháu sử dụng Internet hiệu quả và an toàn không phải là điều dễ dàng”.

Hiện nay, lứa tuổi được tiếp cận Internet ngày càng trẻ hóa, thời gian sử dụng cũng dần tăng lên. Tỷ lệ trẻ em được tiếp cận các thiết bị có kết nối Internet cũng ngày càng tăng. Bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận của Internet thì vẫn còn đó những nguy hiểm, rủi ro khó nhận biết để tự phòng tránh. Bởi, hầu hết trẻ chưa được trang bị đầy đủ kiến thức để tự bảo vệ mình trên môi trường mạng.

Nguy cơ mất an toàn từ mạng xã hội

Internet là không gian thu nhỏ nhưng đa chiều, thế giới ảo nhưng gây tổn thương thật cho trẻ. Nhiều trẻ bị tác động tiêu cực từ mạng xã hội mà làm hại chính bản thân. Thậm chí, nhiều em có hành vi cực đoan, bạo lực hoặc bị gạ gẫm, quấy rối tình dục. Những kẻ xấu lợi dụng kết bạn trên mạng để khai thác thông tin cá nhân phục vụ việc mua bán, bắt cóc hay chiếm đoạt, hành hạ, mời gọi trẻ em chơi các trò chơi trực tuyến. Từ những video có nội dung nhảm nhí, vô bổ cho tới những video hướng dẫn tự sát cũng được tung lên mạng, tiềm ẩn mối nguy hiểm khó lường với trẻ nếu phụ huynh không cảnh giác và quan tâm con cái.

Cần tạo không gian vui chơi an toàn, lành mạnh để các em giải trí, cân bằng cuộc sống

Cần tạo không gian vui chơi an toàn, lành mạnh để các em giải trí, cân bằng cuộc sống

Như trường hợp em N.H.C. (xã An Lục Long, huyện Châu Thành), nhiều năm liền là học sinh khá, giỏi, là niềm tự hào của cha mẹ. Thế nhưng, bước sang năm lớp 7, cha mẹ em đi làm xa nhà, C. không còn được quan tâm sâu sát như trước, khi bị bạn bè rủ rê, lôi kéo, em bắt đầu nghiện game online. Anh N.H.A. - cha của em C., tâm sự: “Từ ngày nghiện game, kết quả học tập của con tôi sa sút. Game online khiến con trở nên bạo lực. Để chơi game, con thường xuyên trốn nhà, trốn học, trộm cắp vặt,... trong khi việc quản lý con vô cùng khó khăn”.

Đồng hành và hướng dẫn trẻ sử dụng mạng an toàn

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Phan Thị Nguyệt, để hạn chế đến mức thấp nhất những mặt trái của Internet đối với trẻ em, đòi hỏi sự tìm hiểu một cách thấu đáo cũng như những giải pháp từ nhiều phía liên quan. Cụ thể, cần sớm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em. Các ngành chức năng, doanh nghiệp viễn thông cần ngăn chặn những thông tin xấu trên mạng có nguy cơ ảnh hưởng đến trẻ em, tạo môi trường an toàn trên mạng cho trẻ; xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng,... Tuy nhiên, quan trọng nhất là các bậc phụ huynh phải quan tâm hướng dẫn con sử dụng Internet một cách hiệu quả, phát huy những thế mạnh của Internet trong học tập.

Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, trẻ em ít được tiếp xúc với cộng đồng, vì vậy, cha mẹ “phải là bạn của con”, thường xuyên trò chuyện với con để các em nói ra được vấn đề của mình. Đó chính là cách bảo vệ trẻ tốt nhất cả ngoài đời thực lẫn trên không gian mạng. Ngoài ra, cần tạo không gian vui chơi an toàn, lành mạnh để các em giải trí, cân bằng cuộc sống.

Nhiều học sinh chọn lựa tham gia các khóa tu mùa hè để rèn luyện bản thân, giảm thời gian tiếp xúc với Internet

Nhiều học sinh chọn lựa tham gia các khóa tu mùa hè để rèn luyện bản thân, giảm thời gian tiếp xúc với Internet

“Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đều tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục cho học sinh trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, vấn đề về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng chưa được phổ biến rộng rãi. Hiện nay, gia đình vẫn là nhân tố chính trong việc bảo vệ trẻ trước những nguy cơ mất an toàn trên môi trường mạng. Theo đó, phụ huynh cần tìm hiểu tâm lý của trẻ để góp ý, định hướng; lắng nghe, chia sẻ với những mong muốn của trẻ; đồng thời, sử dụng thêm công cụ giám sát để phát hiện sớm và xử lý kịp thời các vấn đề có thể tác động xấu đến trẻ” - bà Phan Thị Nguyệt chia sẻ.

Việc giáo dục trẻ em các kỹ năng biết tự bảo vệ mình trên môi trường mạng cũng cần thiết như những kỹ năng trong cuộc sống hàng ngày; cần có một cơ chế sàng lọc, kiểm soát những thông tin độc hại đối với trẻ em. Để làm được điều này phải có sự phối hợp, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý về công nghệ thông tin, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kỹ thuật số, nhà trường và mỗi gia đình./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích