Tiếng Việt | English

25/09/2023 - 11:47

Bảo vệ vườn cây ăn trái trong mùa mưa, bão

Mùa mưa, bão là điều kiện thuận lợi cho một số sâu, bệnh trên cây ăn trái phát triển. Do đó, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An khuyến cáo các nhà vườn chủ động bảo vệ, chăm sóc cây ăn trái bằng nhiều biện pháp nhằm bảo đảm năng suất và chất lượng.

Nhà vườn dùng bạt phủ gốc sầu riêng để chống xói mòn trong mùa mưa

Nhà vườn cần chủ động

Theo các chuyên gia và nhiều nhà vườn có kinh nghiệm trồng cây ăn trái, vào mùa mưa, lượng nước cung cấp cho vườn có khi liên tục và kéo dài, nếu vườn cây không kịp thoát nước, bị ngập nặng thì bộ rễ cây dễ bị tổn thương, bị các loại nấm, bệnh tấn công như thối rễ, nấm rễ,... làm cây chậm phát triển, rụng lá, rụng hoa và trái non. Nếu cây bị bệnh nặng, bộ rễ chính bị chết dẫn đến cây chết.

Do vậy, điều kiện quan trọng nhất để cây ăn trái chống chọi lại mưa, bão, lũ là phải hạn chế vườn bị ngập úng, đào nhiều rãnh phụ giúp nước mưa thoát nhanh chóng. Bên cạnh đó, phải gia cố bờ bao, đê bao chắc chắn, nạo vét kênh, mương, chuẩn bị máy bơm để sẵn sàng chống ngập úng khi cần.

Ông Trần Văn Thuận (xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa) chia sẻ: “Những năm gần đây, các nhà vườn tại địa phương đang mở rộng dần diện tích trồng các loại cây ăn trái cho giá trị kinh tế cao như sầu riêng, mít, bưởi,... Thời điểm này, các nhà vườn đang gia cố đê bao chống ngập úng trong mùa mưa, lũ vì nếu để nước ngập trong thời gian dài, cây rất dễ bị mất sức và chậm phát triển”.

Tại huyện Thạnh Hóa, ông Nguyễn Văn Tùng (xã Thuận Bình) trồng trên 2ha chanh đang trong giai đoạn cho trái. Ông Tùng cho biết: “Hệ thống đê bao đã được địa phương đầu tư xây dựng khép kín. Nước lũ về thì các cống lớn được đóng lại, nhà vườn chỉ cần gia cố đê bao quanh vườn và bơm thoát nước khi có mưa”.

Song song với giữ mực nước phù hợp, đầu mùa mưa, các chủ vườn cây ăn trái còn tỉa cành để cây tiếp nhận ánh sáng đầy đủ, tránh cho tán cây phát triển um tùm tạo lực cản lớn khi gặp gió mạnh sẽ dễ bị ngã; đồng thời, giữ cỏ trong vườn nhằm hạn chế đất bị xói mòn.

Ông Trần Văn Hiệp (xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng) chia sẻ: “Đối với vườn cây ăn trái trong mùa mưa, ngoài việc giữ cho vườn không ngập úng thì nông dân còn phải sử dụng phân bón cân đối bởi nếu sử dụng không hợp lý, phân bón dễ bị rửa trôi, cây không hấp thu được sẽ gây lãng phí”.

Đồng bộ các giải pháp

Theo dự báo của Đài Khí tượng và Thủy văn tỉnh, từ tháng 9 đến tháng 11/2023, khả năng xuất hiện 5-7 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, gây gió Tây Nam mạnh, sóng lớn trên biển và mưa giông diện rộng trên đất liền khu vực tỉnh.

Đài Khí tượng và Thủy văn tỉnh đề nghị người dân cần theo dõi sát dự báo thời tiết, kiểm tra đê bao, ô bao để gia cố sớm, chủ động máy bơm để tháo nước phòng trường hợp mưa lớn, tránh ngập úng cục bộ kéo dài.

Mùa mưa, các nhà vườn cần chủ động các giải pháp để hạn chế ngập úng và các loại sâu, bệnh trên cây trồng

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng, toàn huyện hiện có trên 443ha cây ăn trái, giảm 33,5ha so với đầu năm 2022. Trong đó, các loại cây có múi như cam, bưởi đang trong giai đoạn thu hoạch, cho lợi nhuận cao.

Theo ngành Nông nghiệp huyện, nhờ thực hiện hiệu quả công tác quy hoạch vùng và đầu tư hệ thống thủy lợi khép kín, đến nay, hầu hết các diện tích cây ăn trái của huyện nằm trong vùng đê sản xuất lớn kết hợp các đê bao hộ gia đình nên việc chống lũ cho vườn cây ăn trái của người dân trong huyện không gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, để cây ăn trái được bảo vệ tốt trong mùa mưa, bão, ngoài việc giữ nước, nhà vườn cần áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong canh tác, chủ động bón phân cân đối cho cây.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền đề nghị ngành Nông nghiệp các địa phương tập trung rà soát, khoanh vùng những khu vực sản xuất thường xuyên bị ngập úng để đầu tư hệ thống đê bao lớn, chống ngập úng cho vườn cây của nông dân.

Song song đó, ngành Nông nghiệp các địa phương cần thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật đến tận vườn hướng dẫn cho nông dân những kỹ thuật sản xuất nhằm giúp cây phát triển tốt, hạn chế thiệt hại trong mùa mưa./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết