Nông dân huyện Vĩnh Hưng thăm vườn, kiểm tra tình hình phát triển của vườn cây
Nhà vườn cần chủ động
Canh tác hơn 2ha mít, mùa nước nổi năm trước, có hơn 0,2ha bị ảnh hưởng nên những ngày qua, thấy mưa lớn kéo dài, mực nước lên nhanh, ông Nguyễn Văn Hồng (xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường) chủ động gia cố đê bao, bố trí máy để bơm thoát nước cho vườn cây ăn trái của gia đình. Song song đó, trên mỗi mô cây trồng, ông còn cho xẻ những rãnh nhỏ thoát nước để hạn chế trường hợp ngập úng cục bộ dẫn đến cây bị thối rễ do mưa. Theo ông Hồng, mùa mưa, thời tiết mát mẻ, cây trồng phát triển tốt nhưng nếu không kiểm soát được lượng nước, cây bị ngập dễ dẫn đến việc rễ thiếu oxy, lá sẽ vàng và rụng dẫn đến tình trạng chết dần.
Còn anh Hà Quang Hà (xã Thái Trị, huyện Vĩnh Hưng) chia sẻ: “Mấy nhà vườn trồng cây ăn trái cho giá trị kinh tế cao như sầu riêng, mít, cam sành, thời điểm này đã chuẩn bị đê bao để giữ nước. Nếu không kỹ thì nước ngập rễ, cây dễ bị mất sức, chậm phát triển. Nhiều nhà vườn cẩn thận, trong mùa mưa này còn hạn chế việc di chuyển trong vườn để không làm tổn hại đến bộ rễ của cây”.
Song song với giữ mực nước phù hợp, đầu mùa mưa, các chủ vườn cây ăn trái còn tỉa cành, tạo tán để cây tiếp nhận ánh sáng đầy đủ, khống chế và duy trì chiều cao của cây trồng trong tầm kiểm soát thuận lợi, tránh để cây phát triển um tùm, tạo lực cản lớn, khi gặp gió mạnh sẽ dễ đổ ngã. Đồng thời, các chủ vườn hạn chế việc đi lại trong vườn vào mùa mưa, lũ vì sẽ làm cho đất bị nén chặt lại, dễ làm cho cây bị suy yếu, tạo điều kiện cho nấm bệnh tấn công; hạn chế làm cỏ hoặc có thể giữ cỏ trong vườn ở thời điểm này nhằm hạn chế đất bị xói mòn.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Lê Quốc Bổn cho biết: “Đối với vườn cây ăn trái, mùa mưa thường sản xuất khó hơn mùa nắng, ngoài việc giữ nước thì nhà vườn còn phải lưu ý sử dụng phân bón cân đối. Bởi, nếu sử dụng không hợp lý, phân bón dễ bị rửa trôi, cây không hấp thu được, vừa lãng phí, vừa dễ dẫn đến tình trạng rụng trái”.
Thực hiện nhiều biện pháp ứng phó
Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, năm 2022, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông có khả năng ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm (khoảng 11-13 cơn bão), trong đó khoảng 4-5 cơn ảnh hưởng đến nước ta. Cần đề phòng những cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động vào các tháng cuối mùa mưa (tháng 10, 11, 12) ảnh hưởng đến khu vực Nam bộ. Đặc biệt chú ý tính bất quy luật của bão sẽ tăng cao vào những tháng giữa và cuối năm. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn tỉnh đề nghị người dân cần theo dõi sát dự báo thời tiết, kiểm tra đê bao, ô bao để gia cố sớm, chủ động máy bơm để tháo nước, phòng trường hợp mưa lớn, tránh ngập úng cục bộ kéo dài.
Theo thống kê, toàn huyện Tân Thạnh hiện có hơn 1.864ha cây ăn trái. Trong đó, chủ yếu là cây có múi như mít, chanh, sầu riêng,... Theo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, nhờ thực hiện hiệu quả công tác quy hoạch vùng và đầu tư hệ thống thủy lợi khép kín nên hầu hết diện tích cây ăn trái của huyện đều nằm trong vùng đê sản xuất lớn kết hợp với các đê bao hộ gia đình nên việc chống lũ cho vườn cây ăn trái của người dân trong huyện hiện nay khá thuận lợi. Tuy nhiên, để cây ăn trái được bảo vệ tốt trong mùa mưa, bão, ngoài việc giữ nước, nhà vườn cần áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong canh tác, chủ động bón phân cân đối để cây phát triển.
“Thời gian qua, ngành Nông nghiệp huyện rà soát, khoanh vùng lại những khu vực sản xuất thường xuyên bị ngập úng để tập trung đầu tư hệ thống đê bao lớn, giúp người dân chủ động giữ được nước cho vườn cây. Song song đó, cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cho nhà vườn những kỹ thuật sản xuất trong mùa mưa, lũ để cây phát triển tốt, hạn chế chết cây” - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tân Thạnh - Trần Văn Bưởi cho biết.
Nông dân cần chủ động bảo vệ vườn cây để hạn chế bị ảnh hưởng vào mùa mưa, lũ
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền, Sở phối hợp các sở, ngành liên quan và các địa phương thực hiện công tác quản lý đê điều, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, chỉ đạo gia cố, duy tu, sửa chữa các tuyến đê bao ngăn lũ, triều cường cho lúa, vườn cây ăn trái, vùng nuôi thủy sản, quản lý chặt chẽ hệ thống cống, bọng dọc theo các tuyến sông, kênh, rạch, nhất là đối với vùng nuôi thủy sản và vùng trồng cây ăn trái.
“Song song đó, bố trí lịch thời vụ gieo trồng phù hợp, bảo đảm thu hoạch trước lũ, khuyến cáo nông dân ở nơi nào đê bao không bảo đảm chống lũ, triều cường thì không sản xuất lúa vụ Thu Đông; chỉ đạo khai thông dòng chảy trên tất cả tuyến kênh cấp 1, cấp 2, cấp 3 và nội đồng để tiêu thoát lũ nhanh, bảo vệ dân cư và sản xuất. Tổ chức kiểm tra, rà soát các công trình thủy lợi và đánh giá công tác vận hành hệ thống các công trình thủy lợi; có kế hoạch xử lý, tu sửa những hạng mục hư hỏng” - ông Nguyễn Thanh Truyền thông tin thêm.
Mùa mưa được xem là điều kiện thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng nhưng kèm theo điều kiện bất lợi như ngập úng, giông bão, sâu, bệnh tấn công mạnh, gây thiệt hại về năng suất và làm giảm chất lượng trái. Do đó, những giải pháp được triển khai chủ động và đồng bộ sẽ giúp vườn cây phát triển tốt, giảm thiểu được thiệt hại có thể xảy ra./.
Minh Tuệ