Tiếng Việt | English

07/04/2019 - 15:43

Bất chấp khuyến cáo, nông dân ồ ạt xuống giống lúa Hè Thu 2019

Dù chưa đến lịch gieo sạ vụ lúa Hè Thu 2019 nhưng đến thời điểm hiện tại, hàng ngàn hecta lúa được nông dân xuống giống, bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng.

Bất chấp khuyến cáo, nông dân ồ ạt xuống giống lúa Hè Thu 2019

Ồ ạt xuống giống vụ Hè thu

Mặc dù ngành nông nghiệp từ tỉnh đến các huyện, thị xã khuyến cáo xuống giống lúa Hè Thu 2019 bảo đảm theo lịch thời vụ để hạn chế sâu, bệnh gây hại nhưng đến thời điểm này, tại một số huyện Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An, nông dân vẫn ồ ạt xuống giống với diện tích hàng chục ngàn hecta.

Huyện Tân Hưng hiện có gần 18.000/37.000ha lúa Hè Thu đã xuống giống, tập trung nhiều ở các xã vùng trũng thấp như Vĩnh Bửu, Vĩnh Đại, Vĩnh Lợi, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Châu A, Vĩnh Châu B,…

Nông dân xuống giống hàng chục ngàn hecta lúa Hè Thu 2019

Dù ngành chuyên môn và địa phương không khuyến cáo xuống giống sớm vụ lúa này nhưng ông Dương Văn Giáo, ngụ xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng cho rằng hệ thống đê bao khu vực ruộng của mình chưa hoàn chỉnh, những vụ trước, lũ về sớm nên không thể thu hoạch kịp gây thiệt hại kinh tế. Cách nay hơn 10 ngày, sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân 2018 - 2019, ông tranh thủ làm đất, vệ sinh đồng ruộng, tiến hành xuống giống 3ha lúa sớm hơn lịch thời vụ để kịp thu hoạch trước khi lũ về.

Còn tại huyện Vĩnh Hưng, hàng ngàn hecta lúa cũng được nông dân xuống giống. Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Vĩnh Hưng - Tô Văn Chảnh cho biết, sau khi thu hoạch xong lúa Đông Xuân 2018 - 2019, nông dân lại tiếp tục xuống giống vụ mùa tiếp theo không tuân thủ khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Hiện, trên địa bàn huyện có hơn 6.000/28.000ha lúa được xuống giống, tập trung ở các xã vùng thấp như Tuyên Bình, Tuyên Bình Tây, Vĩnh Thuận, Vĩnh Trị, Vĩnh Bình,…

Bà Nguyễn Thị Hằng, ngụ xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng cho biết: “Cả khu vực này đều được người dân cày trục để xuống giống vụ lúa Hè Thu. Mặc dù biết chưa đến lịch thời vụ nhưng ai cũng làm, mình không theo không được”.

Gieo sạ đúng lịch, hạn chế sâu bệnh

Tại huyện Tân Hưng, trong vụ lúa Đông Xuân 2018 - 2019, trên địa bàn huyện có gần 5.000ha lúa xuống giống trái lịch thời vụ. So với những diện tích gieo sạ đúng lịch, số diện tích này không những bị sâu, bệnh gây hại làm tăng chi phí mà năng suất cũng giảm đáng kể (từ 500kg đến 1 tấn/ha).

Việc xuống giống ngay sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân khiến mầm bệnh phát triển, gây hại vụ mùa kế tiếp

"Việc xuống giống ngay sau khi thu hoạch vụ lúa Đông Xuân sẽ dẫn đến mầm bệnh từ vụ mùa trước có điều kiện sinh sôi, phát triển trong vụ mùa kế tiếp. Bên cạnh đó, xuống giống liên tục, không cho đất có thời gian nghỉ ngơi còn làm giảm độ phì nhiêu, dẫn đến tăng chi phí đầu vào trong sản xuất nông nghiệp, giảm lợi nhuận của người dân", Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Hưng - Tô Văn Chảnh thông tin thêm.

Nông dân cần vệ sinh đồng ruộng để tiêu diệt mầm bệnh, gieo sạ đúng lịch thời vụ

Phó trưởng Phòng phụ trách Phòng NN&PTNT huyện Tân Hưng - Trần Tấn Tài cho biết, trước thực trạng trên, UBND huyện Tân Hưng ban hành công văn chỉ đạo tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân gieo sạ lúa Hè Thu 2019. Cụ thể, tuyên truyền, vận động các hộ dân sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân không gieo sạ ngay lúa Hè Thu 2019 mà nên cày ải, làm đất, vệ sinh đồng ruộng,… để tiêu diệt mầm bệnh, gieo sạ theo đúng lịch thời vụ được khuyến cáo. Lịch gieo sạ lúa Hè Thu 2019 đợt 1 từ ngày 15/4 - 25/4, đợt 2 từ ngày 13/5 - 23/5.

Việc gieo sạ không theo kế hoạch rất dễ dẫn đến việc bùng phát các loại sâu, bệnh gây hại trên cây lúa, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất. Bên cạnh tuyên truyền, nông dân cần nâng cao ý thức chủ động phòng tránh rủi ro trong sản xuất bằng cách gieo sạ tập trung, đồng loạt theo lịch thời vụ; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng và tích cực theo dõi, chăm sóc cây lúa để kịp thời phát hiện, xử lý sâu bệnh gây hại, bảo đảm vụ mùa thắng lợi./.

Văn Đát

Chia sẻ bài viết