Tiếng Việt | English

22/10/2021 - 10:18

Bất ngờ với 14 điều có thể làm tăng nguy cơ đau tim

Khi nói đến các yếu tố nguy cơ gây đau tim, bạn có thể biết rằng huyết áp cao, tiểu đường và mỡ máu cao có thể khiến bạn gặp nguy hiểm.

Những yếu tố sau đây cũng có thể làm tăng nguy cơ đau tim.

Thiếu ngủ

Ngủ không đủ giấc thường xuyên cũng có thể làm tăng nguy cơ bị đau tim. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người thường ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm có nguy cơ bị đau tim cao gấp đôi so với những người ngủ từ 6 đến 8. Nguyên nhân có thể do mất ngủ làm tăng huyết áp và dẫn đến viêm. Cả hai điều này đều không tốt cho tim.

Đau nửa đầu

Người bị bệnh này dễ bị đau tim trong tương lai. Những triệu chứng của chứng đau nửa đầu như nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh hoặc cảm giác lạ bắt đầu trước khi cơn đau đầu ập đến - dường như có mối liên hệ chặt chẽ hơn với các vấn đề về tim.

Những người bị nhiễm trùng đường hô hấp có nguy cơ bị đau tim cao gấp đôi. Ảnh SHUTTERSTOCK

Những người bị nhiễm trùng đường hô hấp có nguy cơ bị đau tim cao gấp đôi. Ảnh SHUTTERSTOCK

Thời tiết lạnh

Trời lạnh có thể khiến động mạch bị thu hẹp, khiến máu khó đến tim hơn. Hơn hết, trái tim phải làm việc nhiều hơn để giữ ấm cho cơ thể, theo WebMD.

Ô nhiễm không khí và khí thải

Các cơn đau tim phổ biến hơn khi mức độ ô nhiễm không khí cao. Những người hít thở không khí ô nhiễm thường xuyên có nhiều nguy cơ bị tắc nghẽn động mạch và bệnh tim.

Sau một bữa ăn quá no

Ăn một bữa ăn quá nhiều sẽ dẫn đến nồng độ hoóc môn căng thẳng norepinephrine cao hơn. Từ đó có thể làm tăng huyết áp, nhịp tim và có thể gây ra các cơn đau tim ở một số người.

Cảm xúc mạnh mẽ, tiêu cực hoặc tích cực

Tức giận, đau buồn và căng thẳng là những nguyên nhân gây ra các vấn đề về tim, nhưng những sự kiện vui quá mức đôi khi cũng có thể dẫn đến đau tim.

Hoạt động đột ngột hoặc cường độ mạnh

Tập thể dục quá sức có thể nguy hiểm. Khoảng 6% các cơn đau tim được kích hoạt bởi nỗ lực thể chất quá mức, theo WebMD.

Cảm cúm

Khi hệ miễn dịch chống lại vi rút cúm, nó có thể gây ra chứng viêm có thể làm tổn thương tim và động mạch. Trong một nghiên cứu, những người bị nhiễm trùng đường hô hấp có nguy cơ bị đau tim cao gấp đôi. Tỷ lệ đau tim cũng cao hơn trong các đợt bùng phát cúm - thêm lý do để tiêm phòng cúm.

Hen suyễn

Người bị hen suyễn có nguy cơ bị đau tim cao hơn khoảng 70%. Ngay cả khi đang kiểm soát tốt bệnh, nguy cơ vẫn cao hơn bình thường. Do khi bị hen suyễn, người bệnh không nhận ra cơn tức ngực, đây có thể là dấu hiệu sớm của cơn đau tim.

Xem một trận đấu thể thao đỉnh cao cũng có thể gây ra cơn đau tim. Ảnh SHUTTERSTOCK

Xem một trận đấu thể thao đỉnh cao cũng có thể gây ra cơn đau tim. Ảnh SHUTTERSTOCK

Thức dậy đột ngột vào buổi sáng

Các cơn đau tim phổ biến hơn vào buổi sáng. Lúc này, não tràn ngập các hoóc môn giúp cơ thể thức dậy khiến tim thêm căng thẳng. Cơ thể cũng có thể bị mất nước sau một giấc ngủ dài, điều này có thể khiến tim làm việc nhiều hơn, theo WebMD.

Tình dục

Giống như nhiều hình thức tập thể dục, hoạt động tình dục có liên quan đến việc tăng nguy cơ đau tim. Nhưng đối với người có đủ thể lực và sức khỏe tốt, đó chỉ là một con số rất nhỏ.

Uống rượu

Uống nhiều rượu theo thời gian có thể làm tăng huyết áp, tăng một số loại cholesterol xấu và dẫn đến tăng cân - tất cả đều có thể làm tổn thương tim.

Nghiên cứu còn phát hiện, ngay cả một đêm uống rượu say đã có thể làm tăng nguy cơ đau tim trong tuần tiếp theo.

Xem một trận đấu thể thao

Chơi thể thao có thể gây ra đau tim - và xem một trận đấu thể thao cũng thế. Vào năm 2006, các cơn đau tim ở Đức đã tăng đột biến trong các trận bóng đá World Cup của đội tuyển quốc gia.

Gặp thảm họa

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỷ lệ đau tim tăng lên sau những thảm họa lớn như động đất hoặc các cuộc tấn công khủng bố./.

Theo thanhnien.vn

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích