Anh Nguyễn Thành Thuật giới thiệu các loại cá cảnh hiếm đang có trong hồ kính
Từ một món quà nhỏ là vài cặp cá bảy màu, anh Nguyễn Thành Thuật (ấp Xóm Than, xã Tân Bình, huyện Tân Thạnh) đã "bén duyên" với thú chơi cá cảnh. Niềm đam mê ấy không chỉ dừng lại ở việc nuôi đơn thuần mà còn thôi thúc anh mày mò nghiên cứu, tự lai tạo giống và ươm nuôi cá con.
Thời gian đầu, anh Thuật gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật chăm sóc cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, với tinh thần chịu khó, anh tìm hiểu kỹ thuật nuôi cá trong bể, cách vệ sinh cho cá, phòng trừ ký sinh trùng bám vào làm cho cá nhiễm bệnh và phương pháp xử lý nước tại các cơ sở ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Vừa học hỏi kinh nghiệm thực tế, anh Thuật còn lên mạng xã hội tìm hiểu về kinh doanh và nuôi thử nghiệm cá cảnh. Qua tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm; đồng thời, được hỗ trợ nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện và Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, anh đầu tư mua bạt, bể, hồ kính và con giống, tổng số tiền 80 triệu đồng.
Hiện tại, cơ sở của anh Thành Thuật nuôi 32 bể cá trên bạt, mỗi bể có diện tích 32m2; 40 hồ kính thể tích 200 lít nước và 5 hồ 600 lít. Anh nuôi tại nhà hơn 10 dòng cá cảnh như Huyết Long, Ngân Long, Kim Long, cá chép và cá bảy màu,... với mức giá từ vài ngàn đồng đến vài triệu đồng/con, tùy giống và kích cỡ cá.
Theo anh Thuật, nuôi cá cảnh không khó nhưng người nuôi phải nắm vững các quy trình kỹ thuật, nhất là khâu chăm sóc và dưỡng cá bột. Điều quan trọng là các bể cá phải sạch, môi trường nước không bị ô nhiễm, không chứa nhiều clo. Kích thước bể phải phù hợp với lượng cá nuôi, nếu mật độ dày cá dễ bị nhiễm bệnh. Ngoài ra, bể nuôi còn phải chú ý đến nhiệt độ, ánh sáng và nồng độ oxy cho cá thích nghi.
Nhằm giúp khách hàng dễ dàng cập nhật các dòng sản phẩm mới, anh Thuật khai thác, quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo,... Số tiền bán cá 6 triệu đồng/tháng đủ để anh trang trải cuộc sống gia đình và lo cho hai con ăn học./.
Anh Kiệt