Tiếng Việt | English

25/04/2024 - 11:26

Sống với đam mê cá cảnh

Đại dịch Covid-19 gây không ít khó khăn nhưng cũng mở ra hướng đi mới cho nhiều người, trong đó có anh Hồ Văn Lợi (khu phố 9, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Sau đợt dịch, anh suy nghĩ rất nhiều về tương lai và quyết định bỏ ngành thiết kế sân khấu với thu nhập cao để được sống trọn vẹn cùng niềm đam mê cá cảnh. Từ đó, trại cá Gold Guppy Farm ra đời. Anh ứng dụng công nghệ cao vào việc nuôi cá, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian và tạo nguồn thu nhập ổn định.

Anh Hồ Văn Lợi (bìa phải) trong một lần đi thi giải quốc tế

Sinh năm 1996 nhưng anh có phong thái điềm đạm, chững chạc so với tuổi của mình. Anh Lợi cho biết: “Từ ngày bén duyên với nghề nuôi cá, tôi rèn được tính điềm tĩnh, cẩn thận chứ lúc trước cũng nóng tính lắm!”.

Theo anh Lợi, nuôi cá phải từ từ, kiên nhẫn. Cá Guppy nhỏ, nhiều màu sắc, cần được chăm sóc cẩn thận. Khi mua cá về, người nuôi phải để cá dần quen với môi trường mới. Nếu vội thả cá thì chúng dễ chết. Trong quá trình chăm sóc, người nuôi cũng phải cẩn thận, lựa chọn thức ăn tùy theo giai đoạn phát triển của cá; canh thời gian sục oxy để cá vận động nhằm phát triển vây, đuôi;...

Ban đầu chỉ nuôi thử nghiệm nhưng thấy kết quả khả quan nên anh mạnh dạn đầu tư. Đến nay, trại cá của anh có diện tích 200m2 với gần 400 hồ và còn đang được mở rộng. Với quy mô lớn, nếu nuôi theo cách truyền thống thì tốn nhiều chi phí, thời gian, nhân công. Anh cũng tự nhận vì “lười” nên phải tìm cách nào đó để đỡ vất vả. Sau thời gian mày mò, nghiên cứu, “uống thuốc nhức đầu liên tục một tuần”, anh cho ra đời dàn cấp, xả nước tự động được điều khiển bằng hệ thống cảm biến. Anh lên bản vẽ thiết kế hồ kính rồi đặt đơn vị thi công.

Hệ thống này có ưu điểm khi tiết kiệm thời gian gấp 10 lần so với cách làm truyền thống; người không có kinh nghiệm nuôi cá cũng có thể làm được, chỉ cần nhấn nút, mở van; bộ phận chống tràn giúp không gian bên ngoài luôn sạch sẽ, khô ráo; đặc biệt, môi trường bên trong hồ không có sự tiếp xúc với tay người, giúp giảm tối đa mầm bệnh xâm hại.

Theo anh Lợi, nghề nuôi cá cảnh vừa là thú vui tao nhã, vừa mang lại giá trị kinh tế cao nếu người nuôi thật sự có đầu tư. Trong nghề cá cảnh, rất khó có chuyện “làm chơi ăn thiệt”. Người nuôi phải quan sát thường xuyên tình trạng cá bởi một con bệnh là kéo theo cả hồ bệnh. Đó cũng là khó khăn nhất đối với người nuôi và anh Lợi cũng không ngoại lệ. Nhưng nếu biết cách chăm sóc thì người nuôi có thể sống được với nghề. Đối với dòng cá tầm trung, nuôi 100 cặp có thể có thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng. Đối với dòng cao cấp, mỗi cặp có thể lên đến 8 triệu đồng.

Hệ thống cấp xả nước của anh được giới chuyên môn đánh giá là độc đáo và mang tính kinh tế cao. Thế nhưng, anh không giấu nghề mà sẵn sàng chia sẻ cách làm cũng như kinh nghiệm nuôi với những ai quan tâm. Anh Lợi quan điểm: “Tôi muốn phát triển môn chơi cá cảnh ở Việt Nam để cạnh tranh với nước ngoài. Tại Việt Nam có nhiều dòng cá mà các thị trường như Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan không có, bắt buộc họ phải đổ tiền để mua. Cái gì liên quan đến đam mê thì họ không ngại chi tiêu. Khi biết thị trường thế giới đang cần dòng cá nào, tôi và anh em phát triển dòng cá đó”.

Với sự đam mê và sáng tạo không ngừng, anh Lợi giành được nhiều giải thưởng cao quý khi đem cá Việt Nam đi thi đấu quốc tế, được vinh danh là nhà lai tạo cá xuất sắc nhất, tương lai sẽ là giám khảo chính của Hiệp hội Cá bảy màu Việt Nam.

Anh Hồ Văn Lợi (khu phố 9, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) luôn nỗ lực không ngừng để phát triển nghề nuôi cá cảnh

Tuổi đời còn trẻ, trong thời gian ngắn đã đạt nhiều thành công nhưng không vì thế mà anh ngạo mạn. Anh Lợi tâm sự: “Tôi may mắn được gia đình ủng hộ, được một người anh thân thiết giúp đỡ, được những khách hàng luôn thương yêu và ủng hộ. Tôi luôn biết ơn và cố gắng thật nhiều”. Vì điều đó nên anh cố gắng để người thân có việc làm ngay tại mảnh đất quê hương. Mỗi khi đi thi đấu, anh đều giới thiệu mình là người Long An, ngay cả logo của trại cũng là biểu tượng của quê hương. Đó là cách mà anh tỏ lòng biết ơn quê hương, nơi sinh ra và cho anh được như ngày nay.

Trong tương lai, anh dự định sẽ mở rộng trại cá cảnh; tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu, áp dụng những công nghệ mới để tăng hiệu quả kinh tế. 4.000m2 đất của gia đình sẽ được anh trồng rau thủy canh, nuôi ốc táo, nhằm tận dụng nguồn nước xả từ các bể cá,... Mong rằng, với sự nhiệt tâm, tinh cần ấy, Gold Guppy Farm sẽ được như lời anh Nguyễn Trường Thịnh (nhân viên trại cá) nói: “Chúng tôi học được nhiều điều khi làm ở đây. Tôi tin rằng, trại cá sẽ ngày càng phát triển và giúp thêm được nhiều người”./.

Châu Thanh

Chia sẻ bài viết