Tiếng Việt | English

17/04/2022 - 15:49

Bến Lức nhanh chóng phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19

Sau dịch Covid-19, huyện Bến Lức, tỉnh Long An được đánh giá phục hồi kinh tế nhanh, thể hiện qua hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ, thu hút đầu tư, thu ngân ngân sách nhà nước.

Lãnh đạo tỉnh, huyện thăm hỏi, động viên doanh nghiệp dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022

Nhanh chóng phục hồi kinh tế

Trong những tháng đầu năm 2022, hoạt động sản xuất công nghiệp tại huyện Bến Lức ghi nhận sự nỗ lực lớn của các doanh nghiệp trên địa bàn. Các doanh nghiệp nỗ lực khắc phục khó khăn, thích ứng linh hoạt trong điều kiện bình thường mới, tích cực thay đổi phương thức, tư duy sản xuất, sớm phát triển ổn định trở lại.

Bên cạnh đó, các cấp lãnh đạo từ tỉnh, huyện có nhiều hoạt động thăm hỏi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cùng chính sách quan tâm, hỗ trợ, cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính của nhà nước,... tạo động lực, niềm tin cho doanh nghiệp ổn định tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 3 tháng năm 2022 trên địa bàn huyện ghi nhận tăng 5,04% so với cùng kỳ năm trước

Chỉ số sản xuất công nghiệp 3 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn huyện ghi nhận tăng 5,04% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất phân phối điện và cung cấp nước. Tại doanh nghiệp, đời sống công nhân, lao động tương đối ổn định. Thu nhập của người lao động bình quân trên 8,1 triệu đồng/người/tháng, tăng 5,9% so với cùng kỳ. Hiện, Bến Lức là địa phương có mức thu nhập bình quân đứng thứ 2 sau TP.Tân An và cao hơn mức bình quân chung của tỉnh. 

Thu hút đầu tư trong những tháng đầu năm trên địa bàn Bến Lức cũng đạt kết quả khả quan. Từ đầu năm đến nay, huyện tiếp nhận 95 doanh nghiệp và chi nhánh trong nước với vốn đăng ký trên 635 tỉ đồng và 3 chi nhánh doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Đến nay, huyện có 2.399 doanh nghiệp và chi nhánh trong nước đăng ký hoạt động với tổng vốn đầu tư 26.839 tỉ đồng, 117 doanh nghiệp và chi nhánh đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 1,326 tỉ USD (chiếm khoảng 13,6% vốn đầu tư toàn tỉnh).

Hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn có nhiều khởi sắc trở lại sau thời gian kiểm soát tốt dịch bệnh

Hoạt động thương mại, dịch vụ có nhiều khởi sắc trở lại sau thời gian kiểm soát tốt dịch bệnh, hàng hóa đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và đời sống nhân dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu và dịch vụ 3 tháng đầu năm đạt 6.876 tỉ đồng, tăng 3,62% so cùng kỳ.

Các ngành nghề, sản phẩm dịch vụ, hệ thống sân chơi,... từng bước được đầu tư hoàn thiện và đa dạng hóa phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí góp phần nâng cao giá trị sống và giá trị tinh thần của người dân. Công tác kiểm soát hàng hóa, giá cả thị trường luôn được thực hiện thường xuyên, xúc tiến thương mại được tăng cường,quyền lợi người tiêu dùng được quan tâm thực hiện tốt.

Về thu ngân sách, được các ngành và các xã, thị trấn chủ động, quyết liệt triển khai thu ngay từ đầu năm, thường xuyên kiểm tra, đánh giá tiến độ. Các giải pháp về thu đúng, thu đủ, không bỏ sót nguồn thu được triển khai thực hiện tốt nên kết quả khá khả quan, đến hết tháng 3/2022 đạt 274,7/600 tỉ đồng, tỷ lệ 45,8% dự toán pháp lệnh và tăng 7,7% so với cùng kỳ. 

Tập trung giải quyết khó khăn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Năm 2022, huyện Bến Lức xem công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (BT, GPMB) là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Theo đó, Ban Thường vụ Huyện ủy yêu cầu các cấp uỷ phải thường xuyên quán triệt thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TU của Tỉnh ủy, Chương trình 10-Ctr/HU của BTV Huyện ủy và các kết luận chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, tập trung chỉ đạo triển khai các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn huyện.

Về công tác BT, GPMB, trong quí I/2022, huyện tập trung chỉ đạo và triển khai công tác kê biên, kiểm đếm các công trình trọng điểm của tỉnh, của huyện và thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với 8 dự án. Các công trình, dự án trọng điểm của huyện và của tỉnh trên địa bàn có tiến độ thực hiện khả quan, một số dự án GPMB khá tốt, nổi bật như đường 830E, Bờ kè bảo vệ bờ sông thị trấn Bến Lức,một số dự án có vướng mắc như đường D1, Trường THPT Nguyễn Trung Trực đã giải quyết xong. 

Bên cạnh công tác BT, GPMB, nhiệm vụ quy hoạch cũng được Bến Lức tập trung thực hiện. Huyện tích cực phối hợp với tỉnh về việc xin ý kiến Chính phủ chủ trương lập quy hoạch chung đô thị Đức Hòa và Bến Lức. Đã hoàn chỉnh hồ sơ nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Bến Lức 1/10.000 chờ Bộ Xây dựng thẩm định và Chính phủ phê duyệt.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình Phát triển và quản lý đô thị giai đoạn 2020 - 2025, hiện nay Sở Xây dựng đã có văn bản về việc triển khai chương trình phát triển đô thị, Đề án phân loại đô thị Bến Lức. Huyện thường xuyên phối hợp cập nhật, tích hợp các thông tin quy hoạch xây dựng, giao thông, kinh tế xã hội của huyện vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm tiến độ, chất lượng đạt yêu cầu.

Đối với quy hoạch phát triển các dự án công nghiệp, đô thị, huyện tích cực phối hợp để phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để thực hiện triển khai công tác đấu thầu theo quy định; hoàn thành phương án Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021 - 2030.

Các công trình xây dựng cơ bản, các công trình chuyển tiếp trên địa bàn cũng được tập trung triển khai đảm bảo tiến độ theo kế hoạch. Bến Lức đặt chỉ tiêu chậm nhất trong quý 2/2022 các công trình mới trên địa bàn phải khởi công, khối lượng thực hiện phải gắn với kế hoạch vốn, không để phát sinh nợ đọng, phấn đấu hết quí II/2022 giá trị giải ngân xây dựng cơ bản đạt 50% vốn kế hoạch.

Bến Lức cũng chú trọng triển khai có hiệu quả các giải pháp phù hợp, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp. Qua đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện dự án đầu tư, nhất là các dự án có tác động lớn, tạo động lực cho tăng trưởng./.

Gia Hân

Chia sẻ bài viết