Vang danh khóm ở đất phèn
Trên Báo Tuổi Trẻ ngày 21/02/2016 có bài viết Đi ngang Long An, nhớ ghé ăn thơm Bến Lức; Báo Cần Thơ ngày 09/5/2014 cũng có bài Khóm Bến Lức nức tiếng gần xa. Thì ra từ lâu, khóm Bến Lức đã vang danh, được nhiều người biết đến. Địa chí Long An có đoạn nhắc riêng tới khóm Bến Lức là một đặc sản của Long An, được xuất khẩu và mang lại giá trị kinh tế cao từ những năm 1980. Không chỉ vậy, khóm Bến Lức còn được xem như “chứng nhân lịch sử” khi gắn liền với chiến khu Vườn Thơm - Bà Vụ, một thời là nỗi khiếp sợ của quân thù. Qua bao nhiêu năm tháng, cây khóm vẫn bền lòng bám đất và giữ vững danh tiếng ngon, ngọt nhất vùng, được du khách gần xa biết đến.
Nông dân trồng khóm Thạnh Lợi hầu như không dùng thuốc bảo vệ thực vật hay bất kỳ loại thuốc hóa học nào mà chỉ bón phân hỗ trợ thêm cho đất, chủ yếu là phân hữu cơ
Chiếc xuồng nhỏ nhẹ chèo trên mương nước trong veo giữa đồng khóm mênh mông điểm trái chín vàng gợi lên sự nên thơ và thu hút du khách”. |
Theo chân chị Lê Thị Lệ Thanh (Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức) đến ấp 4, xã Thạnh Lợi, chúng tôi thấy những vườn khóm mênh mông. Những luống khóm xanh thẳng tắp song song nhau, ở giữa là mương nước trong veo. Đó là dấu hiệu nhận biết của vùng đất nhiều phèn, thích hợp cho cây khóm.
Độ chua của đất được chắt chiu thành cái ngon, ngọt của trái khóm Bến Lức xưa giờ. Chính vì vậy, nông dân trồng khóm ở Thạnh Lợi cứ 10 năm lại chuyển đổi cây trồng 1 lần (thường là trồng tràm) cho đất được nghỉ ngơi, phục hồi độ chua vốn có.
Thạnh Lợi là xã trồng khóm nhiều nhất Bến Lức hiện nay với khoảng 400ha. Cây khóm bén duyên vùng này từ bao giờ thì không rõ, người trồng khóm Thạnh Lợi thường là cha truyền, con nối. Như gia đình anh Trần Văn Điểm (ấp 4, xã Thạnh Lợi), xưa kia, cha mẹ anh từ Tân An đến Thạnh Lợi khai hoang vỡ đất và trồng khóm. Nối nghiệp gia đình, vợ chồng anh cũng bám đất, trồng khóm được hơn 17 năm. Mặc dù nhiều nông dân chuyển đổi cây trồng từ khóm sang mía, rồi sang chanh nhưng gia đình anh Điểm vẫn tập trung phát triển vườn khóm. Hiện tại, gia đình anh có 42ha khóm tại ấp 4, xã Thạnh Lợi.
Xưa nay, khóm ở Bến Lức khi chín luôn giòn, ngọt, chua vừa phải, ít nước, làm hài lòng thực khách gần xa.
Mong tìm lại vị thế xưa
Anh Điểm kể: “Trồng khóm cực lắm, phải chăm sóc từ khi cây nhỏ tới lúc thu hoạch”. Mỗi vườn khóm có đến mấy ngàn bụi nhưng độ lớn không đồng đều nên nông dân phải xử lý cho trái từng bụi một. Chỉ riêng việc đi giữa các luống khóm đầy gai góc kiểm tra xem gốc nào đúng lứa ra hoa đã là cả một vấn đề.
Trồng khóm vất vả, giá bán cũng lên xuống tùy mùa. Hiện tại, mỗi kilôgam khóm khoảng 6.000 đồng, chưa giúp nông dân có lời như mong muốn. Vườn khóm của anh Điểm khoảng 1 tuần nữa cho thu hoạch nhưng vẫn chưa tìm được nơi tiêu thụ hết vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Anh nói: “Xã Thạnh Lợi có hợp tác xã khóm, tôi cũng tham gia, mong sao cây khóm sớm có chứng nhận VietGAP, có thương hiệu và đầu ra ổn định. Vậy mới giữ được nông dân ở lại với nghề trồng khóm”.
Nghe anh Điểm nói, chị Lệ Thanh thêm: “Trồng theo VietGAP là để đối tác kiểm tra và tin tưởng thôi, chứ khóm Thạnh Lợi xưa giờ vốn là khóm sạch mà!”. Chị cho biết, nông dân trồng khóm Thạnh Lợi hầu như không dùng thuốc bảo vệ thực vật hay bất kỳ loại thuốc hóa học nào mà chỉ bón phân hỗ trợ thêm cho đất, chủ yếu là phân hữu cơ.
Xã Thạnh Lợi nói riêng và huyện Bến Lức nói chung có đặc sản vang danh là khóm. Những trái khóm vàng ươm, ngon ngọt lại được canh tác sạch và gắn liền với câu chuyện lịch sử hào hùng là một gợi ý khó thể bỏ qua cho những người làm du lịch.
Chiếc xuồng nhỏ nhẹ chèo trên mương nước trong veo giữa đồng khóm mênh mông điểm trái chín vàng gợi lên sự nên thơ và thu hút du khách. Diện tích khóm ở Bến Lức đã giảm nhiều so với trước nhưng cây khóm vẫn cho trái ngọt lành và chờ đợi ngày khóm Bến Lức vươn xa./.
Quế Lâm