Tiếng Việt | English

20/06/2016 - 13:53

Bệnh đau lưng và biện pháp phòng ngừa

Đau lưng là bệnh rất thường gặp hiện nay, nhất là ở người trung niên và người cao tuổi. Khoảng hơn 70% người cao tuổi và 40% người trung niên khi đến khám bệnh tại các phòng khám đều than phiền về chứng đau lưng.

Đau lưng gây cho người bệnh không ít phiền toái vì rất khó khăn trong việc di chuyển, thay đổi tư thế, từ đó làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và hiệu quả lao động.

Nguyên nhân gây ra bệnh là do sự suy yếu của cột sống đoạn thắt lưng vì sự lão hóa của cơ thể và tình trạng tổn thương mãn tính của các bắp cơ. Bệnh lý đau lưng được chia làm 2 nhóm: Nhóm xác định được nguyên nhân và nhóm không rõ nguyên nhân.

Vận động sai tư thế dẫn đến đau lưng

-Đau lưng không rõ nguyên nhân thường xảy ra ở những người có thói quen không tốt như tư thế làm việc không đúng, nhất là những người lao động nặng nhọc luôn phải làm việc ở tư thế khom lưng. Ngoài ra, tư thế sinh hoạt không đúng cũng có thể làm cho chúng ta bị đau lưng như ngồi cúi người về phía trước, tư thế khi ngủ không ngay ngắn, hoặc những người phải cố sức khuân vác các vật nặng từ dưới thấp lên cao. Những trường hợp này thường xảy ra từ từ và chúng gây đau lưng mãn tính.

-Đau lưng xác định được nguyên nhân thường thấy nhất là do thoái hóa cột sống hoặc gai cột sống hay thoát vị đĩa đệm.

Để phòng ngừa đau lưng, chúng ta phải tạo cho mình tư thế làm việc, sinh hoạt, kể cả trong khi nằm ngủ sao cho hợp lý. Theo đó, không nên cúi người khi khuân vác vật nặng, mà nên khuân vác vật nặng trong tư thế đang ngồi xổm rồi đứng bật dậy chứ không nên vừa đỡ vừa khuân vác. Đối với những người làm công việc văn phòng cần thường xuyên thay đổi tư thế làm việc, nên thực hiện những động tác thể dục nhẹ nhàng như những động tác vươn vai giữa giờ chẳng hạn, nó có tác dụng rất tích cực trong việc phòng ngừa đau lưng có liên quan đến tư thế.

Trong khi ngủ tốt nhất chúng ta nên nằm nghiêng hoặc nằm ngửa, tuy nhiên, cũng cần phải có sự thay đổi tư thế thường xuyên nhằm làm cho máu trong cơ thể lưu thông dễ dàng, các bắp cơ không bị chèn ép như thế sẽ không còn nguy cơ đau lưng.

Trong sinh hoạt và lao động hàng ngày, không ít người thường có thói quen không tốt như: Rụt cổ, khom lưng,… Những tư thế này có thể giúp ích cho người lao động trong một số công việc cụ thể nhưng vô tình làm cho một số cơ bắp bị đặt trong trạng thái co rút kéo dài dẫn đến mệt mỏi cơ và tất nhiên cơ bắp sẽ bị tổn thương.

Thoát vị đĩa đệm chèn ép tủy sống

Trong trường hợp đặc biệt vì tính chất của công việc bắt buộc phải thực hiện trong tư thế không tốt như thế thì sau đó chúng ta cần có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn hoặc thực hiện một số động tác ngược với tư thế làm việc nhằm tạo cân bằng cho cơ thể. Ví dụ, đối với những người thường xuyên khom lưng thì nên duỗi thẳng lưng, đối với người làm việc xoay hướng bên phải thì trong lúc nghỉ nên làm động tác xoay hướng về bên trái,... 

Trong khi thực hiện những động tác như thế, chúng ta nên thực hiện từ từ, không được thay đổi đột ngột. Trong quá trình lao động nếu xảy ra tình trạng “cụp xương sống” chúng ta cũng có thể làm động tác xoay lưng nhẹ nhàng trong phạm vi có thể, nhưng nếu thấy đau nhiều thì tốt nhất nên đến bác sĩ để khám và điều trị, không nên xoa nắn lưng bằng các loại cồn xoa bóp một cách tùy tiện.

Hiện nay, các loại thuốc giảm đau đang được sử dụng trên thị trường tỏ ra có hiệu quả trong việc điều trị đau lưng nhưng hầu hết đều có chống chỉ định. Hơn nữa, trong phòng ngừa đau lưng thì việc uống thuốc không phải là phương pháp tốt, vì thế chúng ta đừng nên quá lạm dụng nó.

Vận động liệu pháp là một phương pháp phòng ngừa đau lưng rất tốt chẳng hạn như tập đi bộ nhưng tốt nhất là tập đi lùi. Tuy nhiên, khi tập luyện cần phải chọn nơi bằng phẳng, rộng rãi, và nên tập ở những nơi có nhiều người cùng tập luyện. Trong quá trình tập luyện luôn đòi hỏi phải có sự kiên trì và phải tập trong một thời gian dài. Mức độ và thời gian tập luyện còn tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của mỗi người, nên tiến hành tuần tự từ thấp đến cao, từ ít đến nhiều, không nên ép sức hay cố kéo dài thời gian để thực hiện những động tác quá sức chịu đựng của bản thân./.

Bác sĩ Hồ Văn Cưng

Chia sẻ bài viết