Tiếng Việt | English

14/10/2015 - 17:50

Thực trạng và biện pháp phòng bệnh nghề nghiệp

Bệnh nghề nghiệp (BNN) là bệnh lý mang đặc trưng của nghề nghiệp hoặc liên quan tới nghề nghiệp. Bệnh do tác hại thường xuyên và lâu dài của điều kiện lao động không tốt. Ngay từ khi có lao động, BNN đã xuất hiện và gây ảnh hưởng đến người lao động (NLĐ). Để hiểu hơn về BNN, phóng viên (PV) Báo Long An đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Long An - Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Hữu Dũng.


Cần sử dụng thiết bị bảo hộ lao động thích hợp để bảo vệ và dự phòng sức khỏe nghề nghiệp (Ảnh minh họa)

PV: Xin bác sĩ cho biết thực trạng về BNN cả nước nói chung và tỉnh Long An nói riêng?

Bác sĩ Huỳnh Hữu Dũng: Theo thống kê báo cáo của Bộ Y tế cuối năm 2014, cả nước quản lý 28.000 NLĐ mắc BNN được làm thủ tục hồ sơ giám định và được đền bù. Trong đó, bệnh bụi phổi silic chiếm 75%, điếc chiếm 16%.

Riêng Long An, hiện tỉnh đang quản lý 348 NLĐ mắc BNN, trong đó nhóm các bệnh điếc nghề nghiệp chiếm 54%, nhiễm độc chiếm 43%. Nguyên nhân do NLĐ làm việc trong các công ty sản xuất liên quan đến hóa chất, tiếng ồn. Tuy nhiên, đến nay, chỉ có 2 trường hợp được giám định và đền bù. Những trường hợp khác chưa được giám định do chưa đáp ứng thủ tục pháp lý (để đủ thủ tục thì phải có hồ sơ khám sức khỏe đầu vào theo mẫu của Bộ Y tế, hằng năm phải khám sức khỏe định kỳ, đo môi trường, khám BNN). Nhưng hiện nay đa số các công ty, hồ sơ khám sức khỏe đầu vào của NLĐ không theo mẫu của Bộ Y tế.

PV: BNN là bệnh gì? Có bao nhiêu bệnh và bệnh nguy hiểm như thế nào, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Huỳnh Hữu Dũng: BNN là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động tới NLĐ. Bệnh xảy ra cấp tính hoặc từ từ. Một số BNN không thể chữa khỏi và để lại di chứng nặng nề như: Bệnh bụi phổi silic, bệnh bụi phổi Amiăng, bệnh bụi phổi bông. Đặc biệt, bệnh bụi phổi silic là một “kẻ giết người thầm lặng”. NLĐ trực tiếp tiếp xúc với bụi đá, bụi xi măng, bụi sơn có nồng độ bụi silic vượt mức quy định tại các công ty sản xuất vật liệu xây dựng; công ty hóa chất; ở các công trình xây dựng; các cơ sở sản xuất gỗ,... Giai đoạn đầu, người bệnh khó phát hiện bệnh vì thường không có triệu chứng lâm sàng. Trong thời gian tiếp xúc với môi trường silic từ 3 - 5 năm, tùy thể trạng của mỗi người, bệnh sẽ tiến triển nặng như: Đau, tức ngực, khó thở, ho khạc ra đàm đen. Ở giai đoạn nặng, phổi bị xơ hóa dần chuyển sang ung thư và tử vong.

Đến ngày 1-1-2015, nước ta có 30 BNN được Nhà nước công nhận và được chi trả chế độ bảo hiểm y tế và bệnh được chia thành 5 nhóm: Nhóm 1, các bệnh bụi phổi và phế phổi; nhóm 2, các bệnh nhiễm độc nghề nghiệp; nhóm 3, các BNN do yếu tố vật lý; nhóm 4, các bệnh da nghề nghiệp; nhóm 5, các bệnh nhiễm khuẩn nghề nghiệp.

PV: Xin bác sĩ cho biết các biện pháp cũng như lời khuyên để phòng tránh BNN?

Bác sĩ Huỳnh Hữu Dũng: Bệnh khá nguy hiểm và để lại biến chứng nặng nề nhưng có thể phòng tránh được, cần thực hiện nghiêm 3 biện pháp: Kỹ thuật, y tế và trang thiết bị phòng hộ-vệ sinh lao động.

Biện pháp kỹ thuật: Lý tưởng nhất là NLĐ được làm việc trong điều kiện bảo đảm vệ sinh, không có các yếu tố độc hại, nguy hiểm (sử dụng công nghệ, vật liệu sản xuất sạch, an toàn) hoặc bằng các biện pháp kỹ thuật như cách ly nguồn ngộ độc (che chắn bụi, ồn, sóng vật lý,...).

Biện pháp y tế: NLĐ phải được khám sức khỏe khi tuyển dụng để bố trí công việc phù hợp, đồng thời cần khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm BNN và điều trị kịp thời.

Biện pháp kỹ thuật: Việc sử dụng trang thiết bị bảo hộ lao động thích hợp là biện pháp không thể thiếu trong bảo vệ và dự phòng sức khỏe nghề nghiệp.

PV: Xin cảm ơn bác sĩ!./.

An Hòa (thực hiện)

Chia sẻ bài viết


Tổng hợp việc làm đà nẵng tại VietnamWorks