Tiếng Việt | English

28/09/2016 - 16:01

Bệnh lao đa kháng thuốc - Nỗi lo của cộng đồng

Bệnh lao là một trong những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Khi bệnh nhân không tuân thủ quy trình điều trị sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc. Khi ấy, bệnh lao càng khó điều trị và nguy cơ tử vong rất cao.

Bệnh lao lây lan qua đường hô hấp. Như vậy, chỉ những bệnh nhân bị lao phổi mới có khả năng lây bệnh cho người khác. Những bệnh nhân không phải bị lao phổi, mà bị lao ở các cơ quan khác như: Lao hạch, lao ổ bụng, lao màng não,... thì không lây cho người khác.

Tại Long An, 6 tháng đầu năm 2016, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Long An thu nhận 1.071 bệnh nhân lao các thể (giảm 16 bệnh nhân so với cùng kỳ năm 2015). Trong đó, bệnh nhân lao phổi có vi trùng là 533 người (giảm 34 bệnh nhân so với cùng kỳ năm 2015). Riêng bệnh lao đa kháng thuốc được bệnh viện thu nhận là 32 người (tăng 20 người, tương đương 23,9% so với cùng kỳ năm 2015).

Kết quả điều trị 6 tháng đầu năm, không tính bệnh nhân chuyển đến, đối với lao phổi có vi trùng mới, tỷ lệ điều trị khỏi là 93%. Tỷ lệ bỏ trị chung toàn tỉnh là 1,1% (chỉ tiêu là dưới 1,5%), giảm 0,8% so với cùng kỳ. Số ca tử vong chung tăng 0,3% so với cùng kỳ.


Lao đa kháng thuốc có thời gian điều trị kéo dài, nguy cơ lây nhiễm và tử vong rất cao

Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Long An - Bác sĩ Nguyễn Hải Bình, mục tiêu của hoạt động chống lao là điều trị khỏi 90% lao phổi dương tính được phát hiện. Hiệu quả hoạt động của chương trình chống lao được thể hiện bởi tỷ lệ điều trị khỏi cao, hầu hết do tuyến cơ sở hoạt động tốt. Đồng thời, bệnh viện cũng duy trì tốt công tác quản lý điều trị lao, hạn chế tối đa tỷ lệ thất bại, dẫn đến nguy cơ kháng đa thuốc, bởi vì lao đa kháng thuốc hết sức nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.

Lao đa kháng thuốc là tình trạng vi khuẩn lao kháng lại thuốc chống lao. Khi mắc bệnh lao đa kháng thuốc thì việc điều trị vô cùng khó khăn và là nguồn lây lan nguy hiểm cho cộng đồng.

Việc điều trị lao đa kháng thuốc phải kéo dài từ 19-24 tháng, người bệnh phải tuân thủ các nguyên tắc điều trị, uống thuốc đủ liều và tái khám định kỳ theo hướng dẫn của thầy thuốc. Trong việc vệ sinh, lối sống, người bệnh nên sử dụng các dụng cụ cá nhân riêng, không nên khạc nhổ tùy tiện, phải sử dụng khẩu trang khi nói chuyện và tiếp xúc hàng ngày. Khi có ho, khạc đờm thì khạc vào cốc giấy rồi đốt đi để tiêu diệt nguy cơ lây bệnh.

Khi mắc lao đa kháng thuốc, chi phí, thời gian điều trị phải kéo dài, nguy cơ lây nhiễm rất cao,... Những bệnh nhân lao đa kháng thuốc chưa được quản lý sẽ là nguy cơ cao tiếp tục lây nhiễm vi khuẩn lao kháng đa thuốc cho xã hội. Do đó, rất cần có sự quyết tâm, kiên trì của bệnh nhân và gia đình để chữa khỏi hoàn toàn lao đa kháng thuốc./.

Cát Tường

Chia sẻ bài viết