Khi có vấn đề về sức khỏe tâm thần, nên sẵn sàng điều trị như các bệnh lý khác nhằm tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc
* PV: Thưa BS, TC là gì và những triệu chứng cần lưu ý ra sao?
BS CKII Nguyễn Đình Mỹ: TC là rối loạn về cảm xúc, người bệnh trở nên buồn rầu, chán nản, mệt mỏi, cảm thấy tương lai ảm đạm, thường gây ra sự suy giảm chức năng xã hội và công việc, nghề nghiệp, học hành.
Các biểu hiện TC là luôn buồn chán, bi quan, mất quan tâm và thích thú đối với công việc hàng ngày; mất sự cố gắng trong lao động chân tay, trí óc, mệt mỏi, kiệt sức; khó tập trung, giảm chú ý, hay quên, giao tiếp kém linh hoạt. Ngoài ra, người bệnh cũng trằn trọc khó ngủ, thức dậy sớm hoặc buồn ngủ mà không ngủ được; cảm giác lo lắng vô cớ và ý nghĩ tội lỗi với người thân, tự ti, cảm thấy mình vô dụng, nghĩ ngợi liên quan đến chết chóc; chán ăn, sụt cân; thậm chí có ý nghĩ và hành vi tự sát.
* PV: Thời gian gần đây, áp lực học hành, thi cử khiến nhiều học sinh trở nên căng thẳng, lo âu? BS có những nhận định gì về tình trạng rối loạn lo âu và TC ở lứa tuổi học sinh?
BS CKII Nguyễn Đình Mỹ: Rối loạn lo âu và TC ở học sinh thường gặp từ cấp THCS trở lên (nhất là ở lớp 8, 9) và học sinh ở cấp THPT. Theo y văn, có khoảng 4% dân số bị TC, trong đó có trẻ em bị rối loạn lo âu và TC. Riêng tại Bệnh viện Tâm thần Long An ghi nhận khoảng 5% số bệnh nhân là trẻ em. Các em cũng có những biểu hiện như mệt mỏi, lo âu, nặng đầu, rối loạn giấc ngủ, giảm tập trung, sa sút trong học tập,... Các diễn biến của bệnh thường xảy ra trong một vài tháng mới có thể phát hiện rõ rệt, những điều này chỉ có cha mẹ là người gần gũi, dễ dàng nhận biết các vấn đề bất thường của con để đưa đi điều trị kịp thời.
Việc điều trị những trường hợp bệnh nhân là học sinh bị rối loạn lo âu và TC trước hết phải thay đổi chế độ sinh hoạt, giờ giấc học tập, tăng cường thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, thể dục - thể thao hợp lý. Nếu sau 2 tuần không cải thiện thì cần kịp thời khám, tư vấn và điều trị chuyên khoa tâm thần.
* PV: Còn đối với bệnh TC sau sinh thì như thế nào, thưa BS?
BS CKII Nguyễn Đình Mỹ: TC sau sinh rất dễ xảy ra ở phụ nữ, bệnh có thể nhẹ, trung bình, nặng; thoáng qua hoặc kéo dài. Bệnh xuất hiện do sự kết hợp của nhiều nguyên nhân như thay đổi nồng độ hóc-môn trong cơ thể, mất ngủ, thiếu ngủ, có bệnh sử TC, yếu tố cảm xúc (lo lắng quá mức về việc chăm sóc con, mâu thuẫn với người thân, thiếu sự quan tâm, động viên,...), yếu tố đời sống (thiếu sự giúp đỡ của người thân, thay đổi nơi ở, gặp biến cố lớn,...), mệt mỏi,... Thời gian qua, Bệnh viện Tâm thần Long An ghi nhận khoảng 4% bệnh nhân khám và điều trị có liên quan đến TC sau sinh.
Cần kịp thời phát hiện các triệu chứng bất thường về sức khỏe tâm thần để khám, tư vấn và điều trị tại các cơ sở y tế
TC sau sinh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người mẹ, đặc biệt là sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ. Nguy hiểm nhất là bệnh phát triển thành hành vi cực đoan gây hại cho chính người mẹ hay làm hại đến đứa trẻ. Bệnh có thể được phát hiện sớm, điều trị và trong một số trường hợp có thể dự phòng. Tuy nhiên, không phải người mẹ nào cũng ý thức được mình đang bị bệnh.
* PV: BS có những khuyến cáo gì đối với bệnh nhân TC nói chung, rối loạn lo âu và TC ở lứa tuổi học sinh, phụ nữ trước sinh, sau sinh?
BS CKII Nguyễn Đình Mỹ: Hiện nay, còn nhiều người dân có tâm lý e ngại khi đến khám, điều trị tại Bệnh viện Tâm thần. Mọi người cần coi trọng sức khỏe tâm thần ngang hàng với sức khỏe thể chất. Khi có vấn đề về sức khỏe tâm thần, nên sẵn sàng điều trị như các bệnh lý khác nhằm tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc.
Người thân, bạn bè của người bệnh cần hiểu rõ những triệu chứng của TC để phát hiện sớm những biểu hiện bất thường. Ở lứa tuổi học sinh, cha mẹ cần sâu sát, quan tâm, động viên các em để kịp thời phát hiện các triệu chứng bất thường để đưa đến khám và điều trị, chăm sóc sức khỏe tâm thần tại các cơ sở y tế.
Riêng với TC trước và sau sinh, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa là rất cần thiết, phải thực hiện từ khi người mẹ chưa hoặc đang mang thai nhằm chuẩn bị sẵn tâm lý vững vàng. Người chồng đóng vai trò quan trọng trong việc đề phòng TC sau sinh. Do đó, người chồng cần quan tâm, chia sẻ những tâm tư và lo lắng của vợ từ giai đoạn mang thai đến sau sinh, làm điểm tựa vững chắc, giúp đỡ vợ những công việc nhà, chăm sóc con để vợ cảm thấy được quan tâm và yêu thương hơn. Bên cạnh đó, người phụ nữ không tự gây áp lực cho bản thân về tất cả mọi thứ, cần suy nghĩ thoải mái. Nếu có vấn đề gì cần được giải tỏa thì cần mở lòng, sẻ chia với bạn bè, người thân và có thể nhờ họ giúp đỡ, tư vấn về cách chăm sóc trẻ./.
* PV: Xin cảm ơn BS!
Phạm Ngân - Huỳnh Hương (thực hiện)