Tiếng Việt | English

18/04/2020 - 14:25

Bếp gia đình 'đỏ lửa', gắn kết tình thân mùa dịch Covid-19

15 ngày cách ly xã hội giúp chúng ta có điều kiện sống chậm lại để cảm nhận nhiều điều ý nghĩa, thiêng liêng nhất trong cuộc sống mà bấy lâu nay nhịp sống hối hả đẩy nó ra xa. Đó có thể là những bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương hay đơn giản, các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau chia sẻ buồn, vui trong cuộc sống.

Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương của gia đình bà Huỳnh Thị Tôn trong đại dịch Covid-19

Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương của gia đình bà Huỳnh Thị Tôn trong đại dịch Covid-19

Yêu thương đong đầy trong từng bữa cơm 

Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, lúc đầu không ít người cảm thấy khó chịu, gò bó, cuộc sống bị đảo lộn. Thế nhưng, nhiều gia đình thấy được ý nghĩa của việc giãn cách xã hội biến những ngày này thành “thời điểm vàng” để cùng ngồi lại bên nhau, trong đó có những bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương. 

Bà Huỳnh Thị Tôn, ngụ xã Long Định, huyện Cần Đước, tỉnh Long An bộc bạch: “Trước đây, bữa cơm gia đình của tôi rất tẻ nhạt, vì chỉ có hai vợ chồng già. Còn những ngày qua, bữa cơm gia đình rất vui, có đầy đủ vợ chồng, con cái sum vầy, không còn cảnh cơm canh úp lồng bàn để nguội lạnh như trước. Để có những món ăn ngon, tôi thường “trưng cầu ý kiến” chồng và các con muốn ăn sáng món gì từ hôm trước, rồi chuẩn bị nguyên liệu sẵn. Đa phần đều là các món truyền thống như bún riêu, phở gà,... Những món không biết làm thì tôi lên mạng tìm hiểu công thức và cách làm. Thấy chồng con ăn ngon là tôi hạnh phúc”.

Đến nhà bà Tôn, chúng tôi mới cảm nhận được hết ý nghĩa của bữa cơm gia đình. Đó là hình ảnh các thành viên trong gia đình cùng nhau chuẩn bị bữa ăn, người lặt rau, người chiên cá, người dọn chén,... tiếng nói, cười rôm rả. Đến bữa cơm, các thành viên gia đình quây quần bên nhau vừa ăn, vừa bàn tán về diễn biến của dịch bệnh, rồi cả nhà nhắc nhở nhau hạn chế ra đường, đeo khẩu trang phòng bệnh.

Chị Nguyễn Ngọc Ánh Tuyết (con dâu bà Tôn) vui vẻ nói: “Từ khi về làm dâu đến nay, đây là khoảng thời gian tôi được ở gần chồng và gia đình chồng nhiều nhất. Bình thường, vợ chồng tôi làm việc ở TP.HCM, ít có thời gian về thăm ba mẹ chồng. Công việc bận rộn nên vợ chồng tôi thường đặt thức ăn trên mạng hoặc ăn tiệm. Bởi thế, hương vị của bữa cơm gia đình, những cử chỉ, lời nói âu yếm dành cho nhau của chồng và ba mẹ chồng, tôi cảm thấy rất quý và trân trọng. 15 ngày cách ly xã hội là khoảng thời gian rất có ý nghĩa đối với vợ chồng tôi”.

Lâu nay, nhiều người bị cuốn vào guồng quay của công việc, vì thế những bữa cơm gia đình cũng trở nên xa xỉ. Thay vào đó là hình ảnh các ông chồng, bà vợ la cà nhậu nhẹt, cà phê, mua sắm,... với bạn bè, đối tác. Còn bây giờ, họ đã tiến thẳng về nhà chuẩn bị bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương.

Thời gian thực hiện cách ly xã hội, bà Nguyễn Thị Thu Thủy cảm thấy gia đình rất ấm áp và hạnh phúc

Thời gian thực hiện cách ly xã hội, bà Nguyễn Thị Thu Thủy cảm thấy gia đình rất ấm áp và hạnh phúc

Gắn kết tình thân

Khẩu hiệu giản dị của Việt Nam trong phòng, chống đại dịch Covid-19 là “Ở nhà là yêu nước”, điều này đã tạo điều kiện cho nhiều người “sống chậm” để vun đắp tình cảm gia đình từ những điều bình dị nhất.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, ngụ xã Long Cang, huyện Cần Đước, cho hay: “Thực hiện biện pháp cách ly xã hội, hạn chế ra đường, tôi cảm thấy gia đình mình ấm áp, đoàn tụ hơn. Bởi bình thường, mỗi người đều có công việc riêng, người đi làm, người đi học. Còn thời gian cách ly, các thành viên trong gia đình cùng nhau làm việc nhà, nấu ăn, chia sẻ buồn, vui trong cuộc sống. Giờ đây, tôi cảm thấy gia đình mình rất hạnh phúc và may mắn hơn so với những chiến sĩ nơi tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19 phải xa gia đình, ăn vội bữa cơm để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Chị Trần Thị Mỹ Dung (bìa phải) tận dụng thời gian cách ly xã hội để gắn kết các thành viên trong gia đình

Chị Trần Thị Mỹ Dung (bìa phải) tận dụng thời gian cách ly xã hội để gắn kết các thành viên trong gia đình

Thông thường, vào buổi sáng, chị Trần Thị Mỹ Dung (con dâu bà Thủy) thức dậy thật sớm mua thức ăn sáng cho các thành viên trong gia đình, sau đó vệ sinh cá nhân cho hai đứa con, rồi đưa con đi học. Những ngày công ty nhiều hàng, chị phải tăng ca đến 9, 10 giờ đêm, thậm chí khi chị về nhà thì mọi người đã chìm sâu trong giấc ngủ. Cuộc sống cứ lặp đi lặp lại như thế khiến tình cảm gia đình thiếu gắn kết. Vì vậy, nghỉ ở nhà phòng, chống dịch, chị Dung cảm thấy đây là điều kiện rất tốt gắn kết các thành viên trong gia đình lại với nhau.

Chị Dung chia sẻ: “Mấy tháng nay, công ty hết hàng, tôi được cho nghỉ việc tạm thời nên thu nhập bấp bênh. Tuy nhiên, ở nhà, tôi cũng cảm thấy vui vì có điều kiện vun vén cho mái ấm của mình nhiều hơn”.

Rồi dịch sẽ qua đi, hàng quán sẽ lại tấp nập, chúng ta sẽ trở lại nhịp sống trước kia. Những ngày qua, chúng ta cảm nhận rất rõ về hơi ấm của tình thân trong gia đình. Và khi mùa dịch qua đi, chắc chắn điều đọng lại trong chúng ta là thói quen ăn uống lành mạnh, nhất là dành thời gian nhiều nhất cho gia đình khi có thể./.

Minh Thư

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích