Tiếng Việt | English

24/06/2022 - 18:18

Bí thư Huyện ủy Châu Thành - Lê Quốc Dũng: Nông dân đừng chuyển thanh long sang cây trồng khác  

Khoảng 2 năm trở lại đây, tình hình sản xuất thanh long tại huyện Châu Thành, tỉnh Long An gặp khó khăn. Giá trái thanh long xuống thấp khiến nhiều nông dân thua lỗ, không tiếp tục chăm sóc vườn hoặc chuyển sang cây trồng khác. Diện tích thanh long trong huyện từ 9.100ha vào trước dịch Covid-19 hiện còn khoảng 8.200ha. Trong đó, chỉ có khoảng 7.500ha vườn còn đang được duy trì chăm sóc. Điều đó tạo nguy cơ phá vỡ vùng chuyên canh thanh long tại Châu Thành.

Ông Huỳnh Thủ Huệ, xã An Lục Long nêu lên khó khăn của nông dân về việc thiếu vốn sản xuất và băn khoăn về đầu ra cho cây thanh long trong những năm tới trong cuộc đối thoại với Bí thư Huyện ủy Châu Thành

Trong cuộc đối thoại với Bí thư Huyện ủy về sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao, nông dân các xã Phước Tân Hưng, An Lục Long, Dương Xuân Hội băn khoăn về “tương lai” của cây thanh long. Nhiều nông dân cho rằng họ đã “hết vốn” sau khoảng 2 năm duy trì chăm sóc vườn thanh long. Muốn tiếp tục cải tạo, sản xuất thanh long theo hướng công nghệ cao thì nông dân cần sự hỗ trợ từ phía chính quyền không chỉ về kỹ thuật mà còn về kinh phí.

Giải đáp thắc mắc của người dân, Bí thư Huyện ủy Châu Thành - Lê Quốc Dũng cho biết, huyện đã đề xuất tỉnh có nguồn kinh phí hỗ trợ cho người dân trồng thanh long phục hồi sản xuất. Cụ thể, phương án đề xuất là cho vay lãi suất thấp hoặc không lãi suất trong vòng 1 năm với số vốn vay tối đa là 15 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, Huyện ủy, UBND huyện Châu Thành đang nỗ lực huy động nguồn vốn ủy thác cho ngân hàng chính sách xã hội huyện từ các mạnh thường quân nhằm giúp người dân có thể nhanh chóng, dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi phục hồi sản xuất thanh long. 

Đứng trước khó khăn về giá, nhiều nông dân Châu Thành quyết định bỏ cây thanh long. Châu Thành còn khoảng 8.200ha thanh long, trong đó trên 700ha thanh long không còn được chăm sóc, già cỗi và nhiễm bệnh không có khả năng phục hồi

Ông Dũng khẳng định, sản xuất thanh long công nghệ cao là hướng đi tất yếu, không thể thay đổi nhằm duy trì vùng chuyên canh cây thanh long của Châu Thành, mang lại nguồn thu nhập ổn định và bền vững cho người dân. “Nông dân đừng chuyển sang cây trồng khác vì nếu bị “dội hàng” rồi thì trái cây nào cũng như nhau. Mình giữ lại cây thanh long vẫn tốt hơn vì thu nhập từ cây thanh long vẫn cao hơn nếu mình sản xuất đúng theo yêu cầu của đơn vị thu mua. Mình phải làm VietGAP trước, vì không làm VietGAP là không bán được cho ai hết.” - ông Dũng phân tích.

Đồng thời, Bí thư Huyện ủy Châu Thành cũng hứa hẹn sẽ kiến nghị lên tỉnh để có những giải pháp về chính sách nhanh nhất, tốt nhất cho nông dân trồng thanh long huyện./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết