Tiếng Việt | English

10/05/2019 - 08:41

Bí thư Huyện ủy Tân Hưng đối thoại với người dân về chương trình ứng dụng công nghệ cao

Ngày 09/5, Bí thư Huyện ủy Tân Hưng, tỉnh Long An - Lương Sơn Cầu có cuộc đối thoại với hơn 100 nông dân các xã Vĩnh Châu A, Vĩnh Châu B, Vĩnh Lợi, Vĩnh Bửu, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An về Chương trình ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Cần có đầu ra cho sản phẩm lúa

Mô hình sản suất lúa ứng dụng công nghệ cao là mô hình được ứng dụng một cách đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật, giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất và lợi nhuận trên đơn vị diện tích, tạo ra nông sản sạch, bảo đảm chất lượng, hướng tới một nền nông nghiệp sạch và bền vững.

Theo đó, diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao sẽ sử dụng giống lúa xác nhận, 100% diện tích được cơ giới hóa từ khâu làm đất, phun xịt thuốc, đến thu hoạch; được tập huấn, hướng dẫn sản xuất nông sản theo hướng VietGap và sản xuất theo chương trình 1 phải 6 giảm; sản phẩm làm ra được bao tiêu. Ngoài ra, nông dân còn được hỗ trợ 30% chi phí mua giống, thuê máy cấy và mua máy phun xịt thuốc.

Theo quy hoạch, đến năm 2020, toàn huyện Tân Hưng có 4.500ha lúa ứng dụng công nghệ cao ở 6 xã (Hưng Điền, Hưng Điền B, Hưng Hà, Hưng Thạnh, Thạnh Hưng và Vĩnh Châu A).

Qua 3 năm triển khai thực hiện, mô hình đã nhận được sự tham gia hưởng ứng tích cực của các hộ nông dân trên địa bàn. Riêng trong vụ Đông Xuân 2018-2019, tại các xã trong vùng dự án đã vận động 682 hộ nông dân nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ cao với diện tích 2.892hha.

Qua triển khai thực hiện mô hình cho thấy hiệu quả rất khả quan. Đối với các mô hình điểm, mô hình nhân rộng và các diện tích nông dân tự nhân rộng đều giảm lượng giống trung bình 20 - 30 kg/ha; số diện tích lúa trong mô hình phát triển đồng đều, ít sâu bệnh; góp phần giảm chi phí đầu tư, đạt lợi nhuận cao hơn diện tích người dân tự sản xuất ngoài mô hình từ 3-13 triệu đồng/ha.

Bên cạnh đó, trong quá triển khai thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp vẫn còn gặp một số khó khăn: Một số vùng quy hoạch phát triển công nghệ cao có kế hoạch đầu tư trạm bơm điện nhưng chưa có lưới điện 3 pha; các mô hình nhân rộng công nghệ cao chưa gắn kết được sản xuất với tiêu thụ nên chưa thu hút được nhiều nông dân tham gia; nông dân chưa quen với việc sử dụng phân hữu cơ, các chế phẩm sinh học như nấm trắng, nấm xanh để phòng trừ rầy nâu nên chưa mạnh dạn áp dụng vào sản xuất, dẫn đến hiệu quả sản xuất đôi lúc chưa cao,… 

Số diện tích trong mô hình tăng lợi nhuận thêm từ 3-13 triệu đồng/ha

Tại cuộc đối thoại, nông dân cũng được các ngành chuyên môn và các doanh nghiệp thông tin, hướng dẫn thêm về kỹ thuật canh tác lúa theo hướng hiện đại, an toàn và thân thiện với môi trường.

Qua đó, nông dân nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chương trình: Cần có giải pháp ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp; tình trạng gieo sạ tự phát của nông dân xung quanh vùng dự án làm sâu bệnh phát sinh và gây hại, ảnh hưởng đến các diện tích sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao; một số hộ nông dân trong vùng dự án còn giữ thói quen và tập quán canh tác cũ nên hiệu quả đôi lúc đạt chưa cao; các địa phương cần đánh giá đúng thực chất về hiệu quả mô hình ứng dụng công nghệ cao, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp,…Những ý kiến của nông dân được lãnh đạo UBND huyện, các ngành chuyên môn huyện và các doanh nghiệp tiếp thu giải trình làm rõ.

Để thực hiện chương trình có hiệu quả trong thời gian tới, Bí thư Huyện ủy Tân Hưng - Lương Sơn Cầu yêu cầu cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tập trung lãnh, chỉ đạo và phối hợp các ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, đoàn viên, hội viên, nông dân về ý nghĩa, lợi ích của việc sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao; từng bước thay đổi nhận thức, thói quen canh tác của nông dân. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện mô hình hợp tác xã điểm ứng dụng công nghệ cao; rà soát, đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng trong vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao; tăng cường liên kết với các doanh nghiệp để tranh thủ sự hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật và bao tiêu đầu ra cho nông dân trong vùng dự án… ./.

                                                                                               Văn Đát

Chia sẻ bài viết