Ông Yevgeny Timakov - chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm và vaccine của Nga cho biết, biến thể Delta, phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ, đã học cách “ngụy trang” thành các bệnh nhiễm trùng theo mùa thông thường.
Mô hình các biến thể của SARS-CoV-2. Ảnh: Steinach.
Theo đó, bệnh nhân có các triệu chứng như chảy nước mũi, vốn không phải là triệu chứng điển hình của chủng virus ban đầu. Ngoài ra nó cũng có thể gây ra rối loạn tiêu hóa, giống như triệu chứng ngộ độc thông thường vào mùa hè khi ăn một số loại quả hay nhiễm virus rota. Các triệu chứng cũng giống với cảm lạnh thông thường do sử dụng máy điều hòa như chảy nước mũi và ho. Điều này khiến người bệnh lầm tưởng mắc các bệnh nhiễm trùng thông thường khác. Tuy nhiên chuyên gia Nga lưu ý rằng biến thể Delta sẽ khiến tình trạng sức khỏe bệnh nhân xấu đi nhanh, bệnh tiến triển từ nhẹ đến nặng trong vòng 3 đến 4 ngày.
Delta đã trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại nhiều nước và khu vực. Không chỉ có khả năng lây lan nhanh, biến thể này còn nhiến nhiều người trẻ tuổi gặp biến chứng nặng khi mắc Covid-19.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây khẳng định tầm quan trọng của việc xác định các đột biến của virus SARS-CoV-2 nhằm đẩy nhanh tốc độ ứng phó một cách hiệu quả trong cuộc chiến chống Covid-19. Trong khi dịch bệnh đang được kiểm soát khá tốt ở những quốc gia có tốc độ tiêm vaccine nhanh, thì sự xuất hiện các biến thể mới đã và đang đe dọa đến các nỗ lực dập dịch trên toàn cầu.
Hiện có 4 biến thể của virus SARS-CoV-2 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào nhóm “đáng lo ngại” bao gồm Alpha, Beta, Gamma và Delta, trong đó, biến thể Delta được coi là nguy hiểm nhất- là chủng lây nhiễm chủ đạo trên toàn cầu.
Biến thể Delta đang đe dọa gây ra làn sóng Covid-19 mới và làm chậm quá trình tiêm chủng vaccine tại các nước châu Âu như Đức, Pháp, Italia, Thụy Sĩ và Áo. Ngay cả Mỹ cũng không nằm ngoăì xu hướng đối mặt với “cơn ác mộng” mang tên Delta. Các quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Hàn Quốc, Australia, Thái Lan, Indonesia… đều đang chứng kiến sự gia tăng đến chóng mặt số ca mắc Covid-19, chủ yếu là từ biến chủng Delta.
Bên cạnh sự lấn át của biến thể Delta, thì biến thể Lambda cũng đang khiến giới chuyên gia y tế Mỹ Latin “đau đầu” vì những đột biến bất thường của nó, có thể né tránh được các kháng thể do vaccine tạo ra và gia tăng khả năng lây nhiễm thậm chí còn cao hơn cả biến thể Delta.
Hiện giới khoa học quốc tế đều đang theo dõi sát các loại biến thể đáng lo ngại kể trên và một số kiểu gen mới của virus đang gây đại dịch Covid-19. Họ sẽ nhìn vào những dấu hiệu cảnh báo trong bộ mã gen của virus để xem nó biến đổi ra sao trong phòng thí nghiệm, từ đó theo dõi, giám sát cơ chế nó lây lan ở người.Việc hiểu rõ các biến thể mới sẽ giúp cho chính phủ các nước điều chỉnh thích hợp chương trình chủng ngừa, và kiểm soát được tốc độ lây lan của virus.
WHO đã khuyến cáo các nước lưu ý tầm quan trọng của việc xác định rõ các biến thể. Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng cho rằng: "Thế giới đang ở thời điểm nguy hiểm của đại dịch. Chúng ta vừa vượt qua cột mốc bi thảm với 4 triệu ca tử vong do Covid-19 được ghi nhận. Một số quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao hiện đang có kế hoạch triển khai các mũi tiêm nhắc lại trong những tháng tới và cũng đang dần nới lỏng các biện pháp kiểm soát đại dịch. Song sự xuất hiện của nhiều biến thể mới với tốc độ lây lan nhanh hơn cũng như tình trạng bất bình đẳng trong tiêm chủng, khiến nhiều quốc gia ở mọi khu vực của thế giới đang chứng kiến sự gia tăng đột biến các ca lây nhiễm và nhập viện. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu oxy trầm trọng cĩng như các phương pháp điều trị, càng làm gia tăng số ca tử vong, điển hình ở các khu vực như châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latin.”
Theo giới chức WHO, bên cạnh việc đẩy mạnh triển khai các chương trình tiêm chủng, thì giải pháp khả thi nhất hiện nay vẫn là hỗ trợ các nước trong việc phân phối công bằng thiết bị bảo hộ cá nhân, các xét nghiệm, phương pháp điều trị. Ngoài ra, việc tập trung xác định rõ các biến thể cũng được xem là “chìa khóa” giúp đẩy nhanh nỗ lực ứng phó một cách hiệu quả trước dịch bệnh. SARS-CoV-2 có thể tạo biến thể phức tạp bất cứ lúc nào. Vì vậy, cần xác định những đột biến nào gây ra sự thay đổi trong hành vi của virus như dễ lây lan hơn, độc lực cao hơn; hay sự đáp ứng khác với các phác đồ điều trị.
Theo các chuyên gia y tế, việc tăng cường giám sát các bộ gen là điều quan trọng giúp xác định được các biến thể mới của SARS-CoV-2 và từ đó có cách ứng phó với biến thể đó. Anh - một cường quốc về khoa học, vừa tuyên bố sẽ chia sẻ giải trình tự gen của virus SARS-CoV-2 hỗ trợ một loạt nước nhằm xác định, đánh giá và truy vết các biến thể mới của virus gây bệnh Covid-19. Mọi sự hỗ trợ về phương diện này sẽ được triển khai thông qua Chương trình nền tảng đánh giá biến thể mới. Trên thực tế, khoảng một phần ba trong số tất cả các giải trình tự gen của virus SARS-CoV-2 được gửi cho cơ sở dữ liệu GISAID quốc tế là từ Anh./.
Theo VOV.VN