Tiếng Việt | English

23/10/2023 - 10:18

Biến vỏ tràm thành phân bón hữu cơ

Dự án sản xuất phân hữu cơ từ vỏ tràm của anh Trần Minh Phát (nhân viên thiết bị Trường THCS Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) là 1 trong 5 dự án khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh hỗ trợ. Dự án nhằm tận dụng vỏ cây tràm - một loại phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất phân bón hữu cơ dùng được cả trong trồng trọt và chăn nuôi (làm đệm lót sinh học).

Anh Trần Minh Phát (thứ 4, trái qua) mang sản phẩm phân bón hữu cơ làm từ vỏ tràm đến Ngày hội kết nối, tiêu thụ nông sản năm 2023 để giới thiệu, quảng bá

Huyện Thạnh Hóa có diện tích trồng tràm lớn của tỉnh. Loại cây này phát triển khá nhanh, chịu được cả đất phèn và ngập nước. Gỗ tràm dùng để làm cọc cừ trong công trình xây dựng, đóng đồ dùng, nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất ván ép,... Còn vỏ tràm chỉ dùng để làm chất đốt, phần nhiều bị vứt bỏ khắp nơi gây ô nhiễm môi trường.

Hơn 2 năm trước, nhận thấy địa phương có nguồn vỏ tràm lớn nhưng lại bị lãng phí, anh Phát nảy ra ý định làm phân bón hữu cơ từ “thứ vứt đi” này. Tuy nhiên, khi trao đổi với một số nông dân, anh nhận được nhiều lời khuyên ngăn bởi vỏ tràm khi bón vào cây sẽ gây nóng rễ, có thể làm chết cây.

Không bỏ cuộc, anh Phát tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu và quyết định đầu tư mua máy băm nhỏ vỏ tràm với giá 10 triệu đồng. “Tôi mua máy băm vỏ tràm từ TP.Hà Nội. Công suất của máy có thể băm khoảng 200kg/giờ. Sau khi băm, tôi ủ vỏ tràm cùng với phân gà, phân bò hoặc chế phẩm sinh học từ 4-6 tháng để tạo thành phân bón hữu cơ. Ngoài ra, vỏ tràm sau khi băm nhỏ có thể dùng được ngay để thay cho xơ dừa, tro trấu, đặc biệt là có thể dùng để làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi” - anh Phát cho biết.

Phân bón hữu cơ làm từ vỏ tràm có tác dụng làm đất tơi xốp, cải tạo đất, giúp cây trồng phát triển tốt, tăng sức đề kháng và cho năng suất cao. Hiện anh Phát nhận được nhiều đơn đặt hàng nhưng sản xuất không kịp số lượng để cung ứng do mới đầu tư, chính vì vậy, thời gian tới, anh tiếp tục cải tiến trang thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất, giúp nông dân tiếp cận nguồn phân bón giá rẻ, thân thiện với môi trường.

Anh Trần Minh Phát sử dụng phân hữu cơ làm từ vỏ tràm để bón cho cây trồng

Được biết, quê anh Phát ở tỉnh Đồng Tháp, anh đến huyện Thạnh Hóa sinh sống, làm việc từ năm 2011 đến nay. Anh Phát đang là nhân viên thiết bị của Trường THCS Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa và ở nhà công vụ dành cho giáo viên của trường nên thời gian và không gian để sản xuất phân bón hữu cơ không nhiều. Hiện anh chỉ sản xuất để tự sử dụng và làm theo đơn đặt hàng với số lượng nhỏ.

“Thời gian tới, tôi tiếp tục nghiên cứu, nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời, tham gia các hoạt động tư vấn, định hướng, hỗ trợ thiết kế logo, bao bì và giới thiệu trên mạng xã hội,... để sản phẩm trở nên phổ biến và có chỗ đứng trên thị trường” - anh Phát chia sẻ.

Trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, ngày càng có nhiều nông dân lựa chọn phân hữu cơ làm từ phụ phẩm nông nghiệp để bón cho cây trồng thay thế cho các loại phân hóa học nhằm hướng đến sản xuất sạch, an toàn và bền vững. Do đó, việc “biến” vỏ tràm thành phân bón hữu cơ được xem là một hướng đi nhiều triển vọng, vừa giúp mang lại hiệu quả kinh tế, vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường./.

Minh Tuệ

Chia sẻ bài viết