Báo cáo của Bộ GD-ĐT, Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia cho biết, nhìn chung kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 đã được tổ chức theo đúng tinh thần Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng là gọn nhẹ, giảm tốn kém cho xã hội và người dân nhưng vẫn phản ánh đúng trình độ người học để xét tốt nghiệp, đồng thời cung cấp dữ liệu cho việc xét tuyển giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.
Kỳ thi đã được thực hiện đúng kế hoạch, đúng quy chế, nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng và ủng hộ tích cực của toàn xã hội và diễn ra an toàn, nghiêm túc, tạo ra những tiền đề cơ bản, ý nghĩa quan trọng cho việc tiếp tục triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Bộ cũng thẳng thắn, đây là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nên vẫn còn những hạn chế, thiếu sót cần rút kinh nghiệm để điều chỉnh cho những năm sau. Đồng thời cũng có nhiều việc làm tốt, mô hình hay cần nhân rộng để công tác chỉ đạo, tổ chức đạt hiệu quả cao.
Nhóm thí sinh Trường THPT Phú Nhuận (TP.HCM) vui vẻ chụp ảnh sau khi hoàn thành xong kỳ thi THPT Quốc gia 2015. Ảnh: MAI HẢI
Về đề thi, theo bộ GD-ĐT, với việc ra đề theo hướng tăng cường đề thi mở, các câu hỏi nhằm phát huy khả năng vận dụng kiến thức tổng hợp của học sinh vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, các vấn đề thời sự của đất nước; hạn chế việc ra các câu hỏi yêu cầu học sinh phải nhớ máy móc các con số và sự kiện, việc luyện thi tràn lan như những năm trước đây đã giảm rõ rệt và đề thi đã tạo tâm lý thoải mái, hứng thú, sáng tạo cho thí sinh khi làm bài thi. Việc soạn thảo và sao in, vận chuyển đề thi đến các phòng thi được thực hiện tuyệt đối an toàn, bí mật. Theo đánh giá ban đầu của dư luận trong và ngoài ngành giáo dục, đề thi đã đáp ứng được yêu cầu đề ra của kỳ thi: có các câu hỏi ở mức độ cơ bản đảm bảo các thí sinh đủ điều kiện dự thi và ôn tập tốt sẽ làm được để đủ điều kiện tốt nghiệp THPT và các câu hỏi ở mức độ nâng cao để phân loại học sinh giúp cho việc tuyển sinh của các trường ĐH- CĐ thuận lợi.
Kỳ thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc ở cả hai loại cụm thi. Hiện tượng gian lận trong thi cử đã được hạn chế, các trường hợp vi phạm kỷ luật trường thi đều được các cụm thi kiên quyết xử lý theo đúng quy chế”, Bộ nhấn mạnh. Tại các cụm thi, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong việc xếp phòng thi cho các thí sinh đăng ký muộn, thay đổi nguyện vọng vào sát ngày thi nhưng với tinh thần dành thuận lợi cho thí sinh đã cho phép các em tiếp tục nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc sửa lỗi môn thi kể cả trong ngày làm thủ tục dự thi. Tỷ lệ học sinh tới dự thi rất cao. Tất cả các thí sinh, kể cả trường hợp ốm đau phải cách ly, không tự viết bài được cũng đã được các cụm thi tạo điều kiện để có thể tham dự kỳ thi, không có học sinh vì hoàn cảnh khó khăn. Nhìn chung đã có sự phối hợp tốt và nhịp nhàng giữa các địa phương, các Sở GD-ĐT và trường đại học trong công tác tổ chức kỳ thi. Tất cả các cụm thi dù là do địa phương chủ trì hay do trường đại học chủ trì đều có sự tham gia của giáo viên phổ thông và giáo viên đại học từ ban chỉ đạo thi, hội đồng thi, cán bộ coi thi, thanh tra thi, cán bộ chấm thi...”, báo cáo của Bộ GD-ĐT nêu rõ.
Thí sinh thi môn Sinh tại điểm thi Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: LÃ ANH
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tính đến hết buổi thi thứ 7 (chưa tính môn sinh vừa kết thúc lúc 16 giờ ngày 4-7), tổng số thí sinh bị kỷ luật là 766, trong đó khiển trách: 49; cảnh cáo: 27, đình chỉ 690.
Tỷ lệ dự thi các môn: Toán 98.68%; Ngoại ngữ 99.30%; Ngữ văn 99.03%; Vật lý 98.59%; Địa lý 98.26%; Hóa học 98.08%, Lịch sử 96,32.
Tuy nhiên, thực tế thì Kỳ thi đã diễn ra khá nhiều sự cố, trong đó có sự cố tại buổi thi môn Hóa chiều 3-7, cụm thi do Sở GD-ĐT Thanh Hóa chủ trì, tổ chức ở điểm trường THPT Yên Định 1 (huyện Yên Định, Thanh Hóa) đã xảy ra một sự cố nghiêm trọng khi bộ đề chính thức bị thiếu hụt. Đến giờ phát đề, giám thị phát hiện thiếu 37 đề trên tổng số 61 thí sinh đăng ký dự thi. Sự cố hy hữu khiến phải dừng việc phát đề thi, in thêm đề thi, thí sinh thì làm bài chậm gần một giờ so với lịch thi chung.
PHAN THẢO/sggp.org.vn