Tiếng Việt | English

05/07/2015 - 08:38

Bộ GD-ĐT nói về hướng xử lý vụ đọc đáp án Lịch sử vào phòng thi

Theo Bộ GD-ĐT, sau khi có kết luận điều tra chính xác vụ đọc đáp án thì sẽ xử lý theo quy chế, nếu có dấu hiệu hình sự sẽ giải quyết theo hình sự.

Kỳ thi THP) quốc gia năm 2015 được tổ chức từ ngày 1/7 đến hết ngày 4/7 với sự tham gia của hơn 1 triệu thí sinh tại 99 cụm thi (gồm 38 cụm thi liên tỉnh do các trường ĐH chủ trì và 61 cụm thi tại tỉnh do sở GD-ĐT chủ trì).

Theo PGS. TS. Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), kỳ thi đã được tổ chức theo đúng tinh thần Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng là gọn nhẹ, giảm tốn kém cho xã hội và người dân; nhưng vẫn phản ánh đúng trình độ người học để xét tốt nghiệp, đồng thời cung cấp dữ liệu cho việc xét tuyển sinh giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.

Ngay sau khi kết thúc kỳ thi THPT Quốc gia vào chiều 4/7, tại buổi họp báo, ông Mai Văn Trinh đã trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên về kỳ thi lần đầu tổ chức này.

PV: Có ý kiến cho rằng ở các cụm thi địa phương, tỷ lệ thí sinh vi phạm quy chế thấp hơn ở các cụm do các trường ĐH tổ chức. Phải chăng có sự “nương nhẹ” đối với các cụm do các Sở GD-ĐT tổ chức?

Ông Mai Văn Trinh: Cách thức tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm nay là đều có sự tham gia của các cán bộ, giảng viên các trường ĐH; cán bộ của Bộ, Sở. Không có sự phân biên giữa hai loại thi để xét tốt nghiệp và thi xét vào ĐH, CĐ. Chỉ khác nhau về mặt địa điểm thi bảo đảm thuận lợi đối với thí sinh.

Còn nếu có sự so sánh là ở đối tượng thi xét tuyển ĐH, CĐ có tỷ lệ vi phạm quy chế thi cao hơn thì có thể nói đó là một thực tế. Các em thi để lấy kết quả xét tốt nghiệp sẽ không áp lực bằng các em thi để xét tuyển ĐH, CĐ.

PV: Tại sao Bộ không tổ chức thi sớm hơn mà lại tổ chức thi vào tháng 7, thời điểm nắng nóng?

Ông Mai Văn Trinh: Nắng nóng trong đợt thi này là ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Sau kỳ thi chúng tôi sẽ có rút kinh nghiệm về cái được, chưa được.

Dự định ban đầu là kỳ thi này sẽ diễn ra vào 16/6, tuy nhiên lúc đó sinh viên các trường ĐH vẫn chưa kết thúc năm học; giảng đường, ký túc xá chưa giải phóng được. Thêm vào đó, nếu thi vào đầu tháng 7, thí sinh sẽ có thêm 2 tuần ôn luyện.

PV: Trường hợp ở môn Lịch sử có rất ít thí sinh dự thi, có địa điểm chỉ duy nhất 1 thí sinh, điều này gây lãng phí. Bộ có tổng kết gì về việc này?

Ông Mai Văn Trinh: Việc xuất hiện 1 thí sinh ở 1 phòng thi xuất phát từ việc tự chọn môn thi của thí sinh. Để thí sinh lựa chọn mộn thi là việc đổi mới. Các em được thể hiện sự đam mê, sở trường ở môn thi đó. Ở đây, các thầy cô sẽ vất vả hơn. Nhưng nếu dồn địa điểm thì sẽ vất vả cho thí sinh, cho nên dù có tốn kém hơn nhưng ưu tiên dành cho thí sinh.

PV: Đề thi năm nay tích hợp “2 trong 1”, do đó có hợp lý cho việc vừa để xét tốt nghiệp, vừa để xét tuyển ĐH, CĐ hay không?

Ông Mai Văn Trinh: Việc đánh giá đề thi ở nhiều mức độ khác nhau. Đề thi năm nay không thể so sánh với đề thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH năm 2014, bởi mục đích của các kỳ thi là khác nhau.

Năm 2014, kỳ thi tốt nghiệp chỉ lấy kết quả xét tốt nghiệp mà thôi, rõ ràng mức độ khác. Còn kỳ thi tuyển sinh ĐH 2014 cũng không thể áp vào kỳ thi này được. Do đó, kỳ thi THPT Quốc gia năm nay phải bảo đảm mục tiêu kép.

Điều có thể nhận thấy là đề thi bám sát chương trình, trong chương trình phổ thông, theo hướng đổi mới.

Còn công tác tuyển sinh của các trường ĐH sẽ vận hành theo hướng cạnh tranh bằng chất lượng, hiệu quả. Các thí sinh sẽ căn cứ trên kết quả của mình để nộp hồ sơ. Nếu như năm ngoái là sự may rủi thì năm nay các em có sự lựa chọn, có thể căn chỉnh khả năng đỗ của mình và có nhiều thuận lợi cho thí sinh.

Hy vọng với giải pháp đồng bộ, công tác tuyển sinh sẽ đi vào nề nếp.

PV: Về thông tin đề thi môn Ngoại ngữ xuất hiện trên một tài khoản Facebook, Bộ đã xử lý như thế nào?

Ông Mai Văn Trinh: Ngay sau khi nắm được thông tin, Bộ GD-ĐT đã có công văn phối hợp với Bộ Công an và đang trong quá trình điều tra, hiện chưa có kết luận cuối cùng.

Tuy nhiên, có thể thấy trang Facebook này được lập vào năm 2013. Từ đó đến nay tài khoản này bị hack và chỉ có 4 lần đưa thông tin lên và lần gần nhất là vào ngày 17/1/2015. Việc đăng tải 4 – 5 đề thi lên đó ở trong phòng thi là rất khó xảy ra.

Nếu để ý, vào lúc 22 giờ hôm 3/7, một tài khoản Facebook có đăng đề thi Lịch sử. Nhưng rõ ràng là không đúng sự thật. Đây là việc lạm dụng công nghệ.

Cũng cần nói rõ thêm khái niệm lộ đề tức là đề thi được biết trước khi thời điểm bóc đề. Còn khi đã đánh trống tùng tùng và hàng triệu thí sinh biết đề rồi không còn gọi là lộ đề nữa.

PV: Về việc Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã bắt giữ hai đối tượng giải và đọc đáp án môn Lịch sử vào phòng thi trong buổi sáng 4/7, Bộ GD-ĐT có thể cung cấp thêm thông tin?

Ông Mai Văn Trinh: Ngay khi nhận được thông tin, chúng tôi đã chỉ đạo 2 cụm thi gần đó là Học viện Kỹ thuật Quân sự và ĐH Sư phạm Hà Nội tăng cường công tác coi thi để xem có phát hiện vi phạm không. Đồng thời lúc đó, cơ quan chức năng bằng biện pháp nghiệp vụ để điều tra làm rõ.

Hiện nay, chúng tôi chưa nhận được văn bản chính thức từ cơ quan điều tra. Tuy nhiên, Bộ đang bám sát diễn biến của sự việc này. Sau khi có kết luận điều tra chính xác, thì sẽ xử lý theo quy chế; còn nếu có dấu hiệu hình sự sẽ giải quyết theo hình sự.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Lại Thìn/VOV.VN (ghi)

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích