Nếu trước kia, bỏ phố về quê chỉ là sự lựa chọn của những người lớn tuổi, đã về hưu, muốn có cuộc sống an nhàn, gần gũi thiên nhiên sau mấy mươi năm lao động, cống hiến, thì nay, một số bạn trẻ lại có xu hướng về nông thôn, tránh áp lực của cuộc sống đô thị.
Bỏ phố về quê không hẳn là xấu, cũng chưa hẳn là tốt, quan trọng là cách nghĩ và cách làm của mỗi người khi lựa chọn về quê theo trào lưu hay nghiêm túc chọn nơi mình sinh ra để khởi nghiệp. Có những bạn trẻ tốt nghiệp đại học, sau một thời gian loay hoay bám trụ lại thành phố, lại quyết định trở về quê vui thú điền viên với lối sống “tự cấp tự túc” cùng mấy luống rau, chục con gà, con vịt, đào ao nuôi cá. Nguồn thực phẩm tự tạo ra đáp ứng nhu cầu hàng ngày, nếu dư một ít có thể mang ra chợ bán.
Một số bạn mở trang trại nhỏ, lui về “ở ẩn”. Đâu rồi khát vọng của tuổi trẻ? Đâu rồi niềm đam mê sáng tạo? Có phí quá không khi bao kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm làm việc đành “bỏ xó” chỉ bởi vì muốn có cuộc sống an nhàn. Một số bạn trẻ cho rằng: Khi ta biết “đủ” là sẽ “đủ”.
Vậy thế nào là đủ? Tại sao có nhiều nhà tỉ phú vẫn lao động cật lực khi tài sản cá nhân đã bảo đảm cho họ cuộc sống sung túc đến cuối đời? Bởi vì họ còn muốn lao động, cống hiến, còn có thể tạo ra nguồn kinh tế, không chỉ cho bản thân, gia đình mà còn cho cả xã hội, vì sự phát triển chung.
Có không ít giáo sư, tiến sĩ ở cái tuổi “thất thập cổ lai hi” vẫn cứ miệt mài cống hiến bởi họ muốn đem sức mình đóng góp vào sự phát triển của đất nước, muốn truyền lại kinh nghiệm cho thế hệ trẻ. Họ không ngại cuộc sống ồn ào, đầy áp lực, trên hết vẫn là khát khao được làm việc, tạo ra những giá trị.
Tuổi trẻ cần phải trải qua những va chạm, vấp ngã để rút ra được những kinh nghiệm quý báu. Chính những kinh nghiệm đó sẽ rèn luyện cho người trẻ bản lĩnh, sự nhanh nhạy, tự tin để có thể khẳng định bản thân, đáp ứng yêu cầu công việc trong thời kỳ hội nhập.
Thế nên, chọn về quê để hưởng cuộc sống an nhàn, nghỉ ngơi sớm không phải là sự lựa chọn tốt của người trẻ bởi chính cuộc sống an nhàn đó sẽ làm mai một nhiệt huyết của tuổi trẻ, lý tưởng và khả năng cống hiến. Mặt khác, xã hội hiện đại đòi hỏi chuyên môn hóa cao nên việc bỏ phố về quê để chọn cuộc cuộc sống “tự cấp tự túc” không còn phù hợp bởi trong sản xuất nông nghiệp ngày nay đòi hỏi sự liên kết để đạt năng suất, hiệu quả cao, nông sản có đầu ra ổn định.
Tuy nhiên, không phải người trẻ nào bỏ phố về quê cũng chỉ mong tìm cuộc sống an nhàn. Có nhiều người mang sức trẻ, kiến thức đã được học áp dụng vào thực tế cuộc sống ở quê, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, giúp tăng năng suất, chất lượng nông sản. Ngay ở tỉnh ta cũng có nhiều người trẻ làm “thủ lĩnh” các hợp tác xã nông nghiệp, biết tận dụng, phát huy tiềm năng sẵn có ở quê, huy động nông dân tham gia liên kết sản xuất, tạo ra giá trị lợi nhuận cao.
Ở phố hay ở quê không quan trọng, quan trọng là người trẻ phải phát huy khả năng, nhiệt huyết, có những đóng góp nhất định, chứ không phải chỉ phục vụ nhu cầu của bản thân theo kiểu “tự cấp tự túc” hay theo trào lưu. Bỏ phố về quê cần phải có tầm nhìn, chọn sự phát triển chứ không phải là chạy trốn áp lực của công việc nơi thành thị./.
Tâm Yên