Tiếng Việt | English

18/04/2023 - 14:26

Bộ trưởng Bộ Công Thương - Nguyễn Hồng Diên: Tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh  

Ngày 18/4, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương nhằm nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước và trong sản xuất, kinh doanh, xuất, nhập khẩu. Qua đó, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững ngành Công Thương trong những tháng còn lại của năm 2023.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Huỳnh Văn Sơn chủ trì tại điểm cầu Long An

Tại điểm cầu tỉnh Long An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Huỳnh Văn Sơn chủ trì. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp tham gia sản xuất, xuất khẩu.

Thông tin từ Bộ Công Thương, 3 tháng đầu năm 2023 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và khả năng suy thoái, tăng trưởng GDP năm 2023 dự báo thấp hơn năm 2022. Nhìn chung, tình hình suy giảm kinh tế toàn cầu nhanh hơn dự kiến, tổng cầu từ nước ngoài suy giảm mạnh khiến đơn hàng sụt giảm, ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp (SXCN-IIP). 

Tính chung quí I/2023, chỉ số SXCN giảm 2,2% so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 6,8%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 2,4%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,8%; ngành khai khoáng giảm 4,5%.

Có 48 địa phương có chỉ số IIP quí I/2023 tăng và 15 địa phương có chỉ số IIP giảm so cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng. 

Trong quí I/2023, sức tiêu thụ của thị trường đối với mặt hàng thực phẩm như thịt heo, thịt gà chậm, nhiều bếp ăn công nghiệp giảm do doanh nghiệp ngưng sản xuất, giảm ngày làm việc, người dân giảm chi tiêu do khó khăn,… Do tác động của giá thế giới, giá một số mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng như xăng, dầu, khí hóa lỏng có diễn biến tăng, giảm đan xen trong quí I.

Tính chung quí I năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,9% so cùng kỳ năm trước. Kết quả này phản ánh hiệu quả của chính sách mở cửa từ ngày 15/3/2022 sau đại dịch Covid-19 cũng như việc thúc đẩy xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới các nước trên thế giới và kích cầu nội địa trong thời gian qua. Bên cạnh đó, hoạt động xuất, nhập khẩu trên cả nước cũng giảm do nhiều yếu tố.

Hoạt động xuất nhập khẩu, nhất là hàng dệt may giảm

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Nguyễn Hồng Diên cho biết, một số khu vực kinh tế lớn như Trung Quốc, Mỹ tăng trưởng cao hơn dự báo. Một số nền kinh tế đang nổi tại châu Á như Ấn Độ, Asean tăng trưởng khả quan. Đặc biệt, các chính sách kích cầu đầu tư công và hỗ trợ doanh nghiệp của Việt Nam phát huy tác dụng trong việc phục hồi các hoạt động sản xuất. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng lần đầu tiên trong 3 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp dù có giảm nhưng xu hướng tăng dần qua các tháng; nhập khẩu nguyên phụ liệu có dấu hiệu tăng,… là những yếu tố dự báo tình hình sản xuất, xuất, nhập khẩu trong thời gian tới sẽ khả quan hơn.

Trên cơ sở diễn biến tình hình trong nước và thế giới, kế hoạch năm 2023 của ngành Công Thương: Chỉ số IIP của toàn ngành Công nghiệp cả năm phấn đấu tăng khoảng 8-9% so với năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước dự kiến giảm khoảng 8-9%; tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước dự kiến tăng 6%.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực; tổ chức làm việc với một số địa phương trọng điểm về công nghiệp để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất; tiếp tục tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất; đẩy mạnh phát triển thương mại nội địa, các chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước để kết nối giữa sản xuất với thị trường, ưu tiên phát triển chuỗi cung ứng các mặt hàng nông sản, thực phẩm.

Đặc biệt, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; chủ động phối hợp xử lý công việc gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động./.

Mai Hương - Hoàng Tuân

Chia sẻ bài viết