Tiếng Việt | English

09/01/2022 - 15:13

Bộ Công Thương triển khai nhiệm vụ năm 2022

Sáng 09/01, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 của ngành Công Thương. Phó Thủ tướng Chính phủ - Lê Văn Thành chủ trì tại điểm cầu Trung ương. Tham dự hội nghị còn có Bộ trưởng Bộ Công Thương - Nguyễn Hồng Diên cùng nhiều lãnh đạo bộ, ngành khác.

Điểm cầu hội nghị trực tuyến tại Long An 

Tại điểm cầu tỉnh Long An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm chủ trì. Ngoài ra còn có lãnh đạo một số sở, ngành như Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông Vận tải, Sở Ngoại vụ, Ban Quản lý Khu Kinh tế. Hội nghị có một số doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tiêu biểu trên địa bàn tỉnh dự.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ - Lê Văn Thành khẳng định, năm 2022 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, năm bản lề, tạo nền tảng thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021-2025. Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác, bứt phá vươn lên, thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022 đã được Chính phủ giao, ngành Công Thương tập trung thực hiện nhiều giải pháp như hoàn thiện hệ thống thể chế của ngành với việc tập trung kiện toàn khung chính sách, pháp luật về thương mại phù hợp với các FTA đã ký kết với việc triển khai nghiên cứu, xây dựng và sửa đổi các Luật, quy định chuyên ngành liên quan; hoàn thiện khung chính sách phát triển công nghiệp đồng bộ để thúc đẩy phát triển công nghiệp từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là phát triển các ngành công nghiệp nền tảng; đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cơ cấu lại ngành Công Thương dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, ưu tiên là phát triển công nghiệp nền tảng để làm chủ khu vực sản xuất.  

Bộ trưởng Bộ Công Thương - Nguyễn Hồng Diên cho rằng, năm 2021, bối cảnh thế giới và khu vực tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề do các đợt dịch Covid-19 bùng phát với những biến chủng mới. Bên cạnh đó, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, biến đổi khí hậu, thiên tai và xu hướng bảo hộ, xung đột thương mại tiếp tục diễn biến phức tạp đã tác động mạnh mẽ đến kinh tế, thương mại và đầu tư của thế giới. Từ đó, tác động lớn đến cân đối cung cầu, lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng,… đặt ra những khó khăn, thách thức lớn đối với nền kinh tế nước ta trên nhiều lĩnh vực.

Tuy vậy, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ; cùng với sự nỗ lực vượt khó, đồng tình, ủng hộ, chia sẻ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc tiếp cận, nhanh chóng tiêm chủng vắc-xin cho toàn dân và “Chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch Covid -19” sang thích ứng an toàn để thực hiện “Mục tiêu kép”, thông qua việc ban hành hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và sớm “mở cửa lại nền kinh tế” theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ,… đã giúp Việt Nam bước đầu vượt qua những khó khăn, thách thức và đạt được những kết quả rất quan trọng trong năm 2021.

Theo đó, sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn duy trì và giữ được nhịp độ tăng trưởng tích cực. Quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,8%. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4,82%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước (3,36%) và cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế (2,58%).

Cơ cấu nội ngành công nghiệp tiếp tục chuyển biến tích cực theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành, tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, giảm dần ngành công nghiệp khai khoáng và từ các ngành thâm dụng lao động sang các ngành công nghiệp công nghệ cao (tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng từ 85,5% năm 2020 lên 86,23% năm 2021).

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì động lực của toàn ngành, đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 6,37%, đóng góp 1,61 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng GDP của cả nước; đóng góp tới 86,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Phát triển công nghiệp ở các địa phương đã nỗ lực vượt qua khó khăn trong đại dịch: có 48 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng, chỉ có 15 địa phương có chỉ số IIP giảm so với năm 2020. Trong đó, tăng cao nhất các tỉnh gồm Ninh Thuận (24,6%), Đắk Lắk (23,8%), Gia Lai (20,5%), Hải Phòng (18,2%), Bình Phước (17,8%).

Mặc dù vậy, đại dịch Covid-19 cũng đã gây ra nhiều khó khăn đối với hoạt động sản xuất công nghiệp do dịch bệnh đã lan rộng tới các địa phương, các trung tâm sản xuất công nghiệp lớn và xâm nhập sâu vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất,... đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung của sản xuất công nghiệp. Qua đó, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng, gián đoạn nguồn cung cho sản xuất trong nước ở một số thời điểm.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19, thương mại toàn cầu suy giảm, tăng trưởng xuất khẩu của nhiều nền kinh tế sụt giảm, tuy nhiên xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam bứt phát, đạt mức tăng trưởng cao, trở thành điểm sáng của nền kinh tế. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 336,25 tỉ USD. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2021 đạt 332,25 tỉ USD. Nhập khẩu của nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất để xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu tăng, chiếm gần 90%; nhập khẩu của nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu chỉ chiếm 6%.

Để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2022 tăng 6 - 6,5%, ngành Công Thương phấn đấu đạt các chỉ tiêu sau: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 7-8%; kim ngạch xuất khẩu tăng từ 6-8%; cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 7-8%; tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu tăng 7,88%; điện thương phẩm tăng 7,1 -9,1%./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết