Tre gắn bó với cuộc sống của người làng quê
Cây tre chiếm vị trí quan trọng trong tình cảm, nếp sống văn hóa bằng vẻ đẹp thanh thoát, hiền hòa, bình dị, là hơi thở, sự sống trong từng câu ca dao mang bầu sữa mẹ ngọt ngào, sâu lắng. Tính đa năng, đa dụng của tre gắn liền với đời sống vật chất trong mọi sinh hoạt của đời sống con người Việt Nam từ buổi đầu lao động, đấu tranh dựng nước và giữ nước.
Khắp xóm thôn, làng bản trên mọi nẻo đường đất nước nơi nào cũng có tre “... từng lũy tre xanh nghiêng nghiêng chiều hè, bên mái tranh nghèo tình quê đậm đà, ầu ơ... tiếng mẹ ru con từ lúc ban đầu...” (Gợi nhớ quê hương - nhạc và lời: Thanh Sơn).
Dù ở nơi bùn lầy hay đá sỏi, măng tre vẫn đâm chồi mọc thẳng, không khuất phục trước bão táp, mưa sa. Tre là biểu tượng của đức tính cao quý, thẳng ngay của người dân lao động cần cù, là tình thương yêu, đoàn kết, sẵn sàng đánh đuổi giặc ngoại xâm, “... Tre xanh xanh tự bao giờ, từ ngàn xưa đã có bờ tre xanh...” (thơ: Nguyễn Duy).
Búp măng non mọc thẳng từ lâu trở thành huy hiệu của thiếu niên, nhi đồng “Tre tàn măng mọc” hứa hẹn một ngày mai xán lạn. Lũy tre quê hương mộc mạc, gai góc đan xen với màu xanh tươi và êm ả, đằm thắm trải giữa hồn quê. Tre là người bạn thân thiết cùng đồng cam cộng khổ, sẵn sàng giúp đỡ, san sẻ nỗi nhọc nhằn với nhau trong mọi hoàn cảnh, kiếp sống để cùng chở che, đùm bọc lẫn nhau như một sợi dây thiêng liêng ràng buộc và sự thủy chung với con người từ đời này sang đời khác.
Trên quê hương Việt Nam, tre có mặt ngay từ buổi đầu, hầu hết vườn nhà nào cũng có bờ tre xanh bao bọc ven hào. Qua nhiều thời kỳ chiến tranh, bom đạn cày đi, xới lại tàn phá nhưng không hủy diệt được màu xanh quê hương. Măng tre vẫn tiếp tục vươn mình mọc lên trong một tư thế đĩnh đạc, gan góc, rắn rỏi theo màu áo lính.
Tre làm hàng rào, ngụy trang, che hào chiến lũy, hóa thành vũ khí: Tầm vông vạt nhọn, đánh mõ tre kêu gọi đồng bào đấu tranh, đánh giặc, ngăn bước đối phương. “... Bao mũi chông nhọn hoắc căm hờn, xuyên thây quân cướp nào vô đây... nhưng mai đây giặc chạy rồi, tre của ta làm nhà, làm chòi cao...” (Cô gái vót chông - thơ: Mô-li-l-la-vi, nhạc: Hoàng Hiệp). Tre vừa làm xung kích, vừa làm các phương tiện hậu cần, chuyển quân: Cầu tre, thuyền bè, cán thương, giường nghỉ, hầm hố, lán trại,... cho y tế và măng tre cũng làm ra được nhiều món ăn mang hương vị quê nhà.
Tính vạn năng của tre trong lao động, sản xuất và chiến đấu góp phần làm nên những kỳ tích lịch sử từ phong trào quần chúng nổi dậy trong những ngày kháng chiến sôi nổi và rộng khắp. Vai trò của tập thể, cá nhân của những người cha, người mẹ, người chị là những người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này từng hy sinh thầm lặng, để lại những tấm gương sáng cho các thế hệ về sau cũng từ bờ tre quê hương.
Tre quê hương tạo nên những nguồn vui đầy ắp biết bao kỷ niệm trong đời, lắng sâu vào trong ký ức của tuổi thơ, của mỗi con người từ lúc còn nằm trên chiếc võng tre kẽo kẹt theo lời mẹ ru ngọt ngào đong đưa theo con gió đồng man mác, tre truyền hơi ấm, tình cảm như những bài học vỡ lòng về đạo lý, quê hương.
Sản phẩm từ tre
Tre còn là nhân chứng cho sự trong sáng, nên thơ của những mối tình quê “... Cái buổi ban đầu lưu luyến ấy...” (thơ: Xuân Diệu) của chiếc gàu sòng, gàu vai mà chàng trai quê “... Hôm qua tát nước đầu đình...” mà bỏ quên lại cái áo trong ca dao.
Tre là tấm lòng quê hương, hiểu hơn ai hết biết bao nhiêu nỗi ngậm ngùi, xót xa, trông chờ của người mẹ “... Ngày trở về anh bước lê trên quãng đường đê đến bên lũy tre...” (Ngày trở về - nhạc: Phạm Duy) và nỗi nhớ nhung, lưu luyến của người con với những bến đời tha phương trên vạn nẻo đường trần nhưng nỗi lòng vẫn nhớ nhung về bờ tre quê hương của làng xưa, xóm cũ “... Đường làng nhớ bước chân xa, bờ tre gợi nhớ quê nhà chờ ai...” (Tiếng lòng thức giữa hồn quê - thơ: Lê Hoàng Dũng).
Lũy tre làng
Ngày nay, quê hương trên đường phát triển, hầu hết các địa phương đều có hệ thống, công trình của nhà đầu tư trong và ngoài nước, quy hoạch, mật độ dân cư tăng cao, việc chuyển nhượng, mua bán, chia cắt đất đai của người dân ở nhiều nơi lộn xộn, phức tạp. Màu xanh của cây cối, của tre ở một số nơi bị xâm hại, tàn phá một cách nặng nề để xây dựng các khu công nghiệp, nhà ở “... Đường xưa nâng bước ta về, tìm đâu ra lũy tre quê ngày nào...” (Lặng lẽ chiều đông - thơ: Lê Hoàng Dũng).
Một ngày gần đây, bóng dáng cây tre chỉ còn trong quá khứ nhưng đừng bao giờ quên hình ảnh thân thương của tre từng giữ gìn và tạo nên vẻ đẹp cho quê hương, đất nước này vẫn mãi là niềm tự hào cho các thế hệ đời sau, còn in đậm nét lắng sâu trong tâm hồn con người và trong lòng hai tiếng: Quê hương./.
Lê Hoàng Dũng