Tiếng Việt | English

16/08/2016 - 09:56

Nhớ thương bánh cống quê nhà

Mỗi khi có dịp về quê, tôi lại tranh thủ thưởng thức món bánh cống “đặc sản” như để cảm nhận hương vị miền Tây vốn mộc mạc, chất phác quê nhà.

Vừa về tới quê, con tôi nằng nặc đòi ăn bánh cống. Thấy vậy, thằng em tôi liền xách xe chạy ra khu chợ đêm gần nhà mua ngay những chiếc bánh cống còn nóng hổi và không quên kèm theo bịch rau sống cùng nước mắm chua chua, cay cay.

Bánh cống vừa mới ra lò giòn rụm
Không biết bánh cống miền Tây có từ bao giờ nhưng những chiếc bánh thơm ngon, giòn tan ấy đã gắn bó với tôi suốt thời thơ ấu. Ngày xưa, mỗi khi tan học, tôi thường tụ tập đám bạn ra quán dì Tư cạnh trường để kịp ăn những chiếc bánh còn nóng hổi trước khi về nhà. Những ngày mưa, chúng tôi còn kéo bàn lại gần bếp lửa nơi có chảo bánh đang sôi sùng sục để giành nhau từng miếng chiếc bánh vừa mới ra lò giòn rụm rồi quấn kèm chúng với rau sống, chấm nước mắm chua chua, cay cay. Hay những ngày lập đông, để xua tan cái giá lạnh đầu mùa, lũ học trò chúng tôi thường hẹn nhau ra quán bánh cống ăn lấy ăn để. Thấy chúng tôi vừa ăn vừa xuýt xoa, dì Tư cười nói: “Mai mốt lỡ có xa quê, tụi bây sẽ nhớ mãi hương vị món bánh của dì, nó là thứ đặc sản không phải ở đâu cũng có”.

Bánh cống miền Tây quê tôi tuy không phải là món “cao lương mỹ vị” nhưng khó tìm ra giữa chốn Sài thành. Để có những chiếc bánh thơm ngon, giòn rụm, người dân quê tôi đã kết hợp những nguyên liệu lại với nhau một cách cầu kỳ. Vỏ bánh được làm từ bột mì, bột gạo, khuấy đều với nước cho tan, nêm thêm muối, gia vị… Đặc biệt, để vỏ bánh thêm thơm ngon, người bán còn cho thêm khoai môn xắt sợi nhuyễn vào hỗn hợp bột. Nhân bánh được làm từ đậu xanh, tôm, thịt và trứng… Khi chiên, người bán cho tất cả các nguyên liệu vào cái vá (hay còn gọi là cái cống), đặt vá vào chảo dầu nóng. Khi bánh chín vàng, chúng tự nổi lên, rời khỏi vá. Bánh chín được vớt ra để ráo dầu trước khi cắt ra thành từng miếng vừa ăn, quấn kèm với rau sống, chấm nước mắn chua ngọt. 

Nguyên liệu làm bánh là hỗn hợp bột mì và bột gạo kèm theo khoai môn xắt sợi nhuyễn

Nhân bánh làm từ đậu xanh, thịt, tôm, trứng...

Tất cả nguyên liệu cho vào và đem chiên giòn

Khi bánh chín vàng, vớt bánh ra để ráo dầu

Những chiếc bánh cống nóng vừa mới ra lò

Bánh cống nóng ăn kèm với rau sống và nước mắm chua ngọt
Ở phố thị, nhiều khi muốn ăn bánh cống tôi phải chạy khắp nơi mới tìm ra chỗ bán vì ngày nay nhiều người cho rằng chúng quá nhiều dầu mỡ. Tuy nhiên với tôi, bánh cống vẫn là món ăn ngon, là thứ “đặc sản” quê nhà. Vì vậy, mỗi khi có dịp về quê, tôi lại tranh thủ thưởng thức món bánh cống “đặc sản” như để cảm nhận hương vị miền Tây vốn mộc mạc, chất phác quê nhà./.

Hoàng Xuân/nld.com.vn

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích