Tiếng Việt | English

09/12/2024 - 08:49

Bước đầu áp dụng nông nghiệp hữu cơ

Nhận thức rõ vai trò của nông nghiệp hữu cơ trong việc bảo vệ sức khỏe con người, môi trường và nâng cao hiệu quả sản xuất, xã An Vĩnh Ngãi (TP.Tân An, tỉnh Long An) chủ động lồng ghép sản xuất hữu cơ vào chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đây không chỉ là giải pháp góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp mà còn giúp nâng tầm chất lượng nông sản, tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Là một trong những nông dân tiên phong ứng dụng mô hình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, ông Nguyễn Văn Giả (ấp Hòa Bình, xã An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An) với hơn 10 năm kinh nghiệm gắn bó với cây thanh long đã mạnh dạn chuyển đổi từ phương thức trồng truyền thống sang canh tác hữu cơ trong 2 năm trở lại đây, nhờ sự hướng dẫn tận tình và hỗ trợ thiết thực từ hợp tác xã (HTX) ở địa phương.

“Trước đây, cây thanh long thường xuyên bị sâu, bệnh, năng suất thấp, mỗi lần thu hoạch đều không đạt kỳ vọng. Từ khi áp dụng quy trình VietGAP, cây trồng không chỉ phát triển tốt, giảm thiểu sâu, bệnh mà còn cho trái đẹp, ngon, đặc biệt bảo đảm an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng” - ông Giả chia sẻ.

Sau khi ứng dụng nông nghiệp hữu cơ, ruộng thanh long của ông Nguyễn Văn Giả (ấp Hòa Bình, xã An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An) mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn

Hiện tại, gia đình ông sở hữu hơn 0,4ha thanh long với 700 trụ đang cho thu hoạch, mang lại nguồn thu nhập ổn định và bền vững. Ông Giả cho biết thêm, việc canh tác theo tiêu chuẩn mới không chỉ cải thiện chất lượng sản phẩm mà còn giúp giảm chi phí nhờ hạn chế sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, góp phần bảo vệ sức khỏe gia đình và môi trường xung quanh.

Theo ông Giả, việc áp dụng kỹ thuật VietGAP giúp giảm chi phí sản xuất từ 20-30% nhờ hạn chế sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Thay vào đó, gia đình ông cũng tận dụng phân chuồng có sẵn để ủ cùng chế phẩm sinh học nấm Trichoderma, vừa cải thiện độ tơi xốp của đất, vừa tăng cường dinh dưỡng cho cây, hạn chế sâu, bệnh rõ rệt.

“Mỗi năm, tôi được HTX hỗ trợ 200kg phân vi sinh và 10kg nấm Trichoderma. Nhờ đó, vườn thanh long không chỉ đạt năng suất cao, trái đẹp và ngọt hơn mà còn giúp bảo vệ môi trường, tạo nên giá trị bền vững cho cả người trồng lẫn người tiêu dùng” - ông Giả cho biết.

Hiện tại, HTX An Vĩnh Ngãi phát triển 10ha thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP, hướng tới nông nghiệp hữu cơ bền vững. Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX xã An Vĩnh Ngãi - Trần Văn Lập nhấn mạnh: “Chuyển đổi sang mô hình hữu cơ không chỉ giúp đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường nội địa mà còn mở ra cơ hội xuất khẩu. Đây là hướng đi tất yếu để nâng cao giá trị nông sản địa phương”.

HTX An Vĩnh Ngãi đang triển khai chiến lược phát triển toàn diện, từ cải tiến phương pháp trồng trọt đến xây dựng mối liên kết bền chặt với các doanh nghiệp xuất khẩu. Bước chuyển mình này không chỉ cải thiện thu nhập cho nông dân mà còn đưa nông sản địa phương vươn xa, khẳng định vị thế trong việc phát triển nông nghiệp sạch và bền vững./.

Nông nghiệp hữu cơ - Hướng đi tất yếu

Nông nghiệp hữu cơ - Hướng đi tất yếu 

Tỉnh đang thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ như một hướng đi tất yếu để đáp ứng nhu cầu về thực phẩm sạch và an toàn.

Châu Thanh - Phương Thảo

Chia sẻ bài viết