Tiếng Việt | English

02/11/2020 - 10:16

Bước tiến mới trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng

Những năm qua, nông dân huyện Tân Thạnh mạnh dạn chuyển từ đất trồng lúa cho năng suất thấp sang trồng các loại cây ăn quả khác bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Trước đây, người dân Tân Thạnh chủ yếu trồng lúa. Tuy nhiên, những năm gần đây, người dân thường chịu cảnh “được mùa, mất giá” và ngược lại. Trước tình hình trên, nhiều nông dân bắt đầu chuyển sang trồng các loại cây ăn quả khác như mít, sầu riêng, thanh long, chanh không hạt,... Kết quả, đến nay, huyện có trên 1.156ha chuyển đổi, trong đó mít trên 700ha, chuối 198ha, xoài trên 160ha, sầu riêng trên 32ha, chanh gần 26ha,...

Người tiên phong đưa cây chanh bén rễ trên vùng đất Tân Thạnh là ông Lê Ngọc Trọng, ngụ ấp Bằng Lăng, xã Tân Lập. Được biết, năm 2015, sau khi được Công ty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ hỗ trợ cây, con giống, kỹ thuật chăm sóc, bao tiêu sản phẩm xuất khẩu sang châu Âu, ông Trọng mạnh dạn chuyển đổi 0,5ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng chanh xen canh với bưởi da xanh. Ông Trọng chia sẻ: “Chanh trồng khoảng 18 tháng sẽ cho trái và bắt đầu thu hoạch. Bưởi da xanh từ 2-3 năm sẽ cho trái nhưng muốn trái đều và đẹp, xuất khẩu được thì phải đợi 4-5 năm. Lúc đó, chanh với bưởi giao tàn, sẽ bỏ chanh để lấy bưởi. Bởi, lợi nhuận từ bưởi sẽ cao hơn. Từ lúc chuyển sang trồng chanh xen bưởi, kinh tế gia đình tôi ổn định hơn trước. 0,5ha chanh với bưởi của tôi lời chắc bằng 2ha lúa”.

Bưởi vừa “kết trái” ở vườn của ông Huỳnh Văn Hải

Hiện tại, vườn chanh của ông cho trái ổn định, trung bình khoảng 3 tuần thu hoạch 1 lần, sản lượng mỗi lần thu hoạch dao động từ 1,5-2,5 tấn, giá bán thời điểm này 11.500 đồng/kg. Đến nay, vườn của ông có khoảng 200 cây chanh xen canh khoảng 200 cây bưởi da xanh.

Tương tự ông Trọng, ông Huỳnh Văn Hải, ngụ ấp Bằng Lăng, xã Tân Ninh, sau những lần tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ những người quen đi trước cũng đã đầu tư vốn ban đầu trên 100 triệu đồng để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng chanh xen canh bưởi cách đây khoảng 2 năm. Tổng diện tích chuyển đổi là 1,6ha với khoảng 320 gốc chanh đang cho trái ổn định và trên 250 gốc bưởi da xanh đang trong giai đoạn “đơm hoa, kết trái”.

Ông Hải cho biết: “Bưởi hơn 4 năm mới bắt đầu để trái bán được, chanh thì nhanh hơn, chỉ cần 1,5 năm là có thể thu hoạch trái. Hơn hết, khi bưởi chưa để trái, công chăm sóc rất ít. Thời gian đầu, gia đình tôi chỉ cần tập trung chăm sóc chanh để lấy trái, đến khoảng vài năm sau, khi chanh gần tàn thì quay sang tập trung chăm bưởi. Đến nay, với khoảng 320 gốc chanh, gia đình tôi thu hoạch được sản lượng dao động từ 500kg - 2 tấn/lần. Giá bán ổn định, cao nhất là 25.000 đồng/kg và thấp nhất là 12.000 đồng/kg”.

Điều đặc biệt, trên diện tích trồng chanh xen canh bưởi, ông Hải còn tận dụng đất trống để trồng gần 400 cây bông trang đỏ để kiếm thêm thu nhập và hạn chế cỏ dại. Được biết, bông trang đỏ ông bán với giá từ 50.000-70.000 đồng/cây.

Phun thuốc cho chanh

Ngoài mô hình trồng chanh xen canh bưởi mang lại hiệu quả kinh tế, nông dân Tân Thạnh còn tận dụng đất vườn chuyển sang trồng mít. Nhiều nông dân đánh giá, mít là loại cây trồng ít công chăm sóc, không chiếm nhiều diện tích, thời gian sinh trưởng nhanh, thích hợp với nhiều loại đất, giá bán thấp nhất 10.000 đồng/kg, thậm chí có thời gian trên 80.000 đồng/kg, còn thời điểm hiện tại 45.000 đồng/kg. Ông Bùi Văn Phương, ngụ ấp Tân Chánh A, xã Nhơn Ninh, trải lòng: “Gia đình tôi đã chuyển 5.000m2 đất trồng lúa cho năng suất thấp sang trồng 500 gốc mít, với chi phí trên 100 triệu đồng. Sau 2 năm, vườn mít của tôi bắt đầu cho thu hoạch, trong đó chỉ cần vài tháng là đã lấy lại vốn”.

Mít sai trái

Có thể thấy, việc chuyển đổi cây trồng bước đầu mang lại nhiều kết quả, cải thiện thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Tuy nhiên, nông dân Tân Thạnh nói riêng, tỉnh nói chung cần chuyển đổi cây trồng theo định hướng của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tránh tình trạng cung vượt cầu./.

Thúy Hằng

Chia sẻ bài viết