Tiếng Việt | English

15/11/2017 - 14:23

Buôn lậu thuốc lá: Những câu chuyện phía sau

Hàng năm, lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ hàng ngàn trường hợp kinh doanh, vận chuyển hàng lậu. Đó là con số minh chứng cho sự nỗ lực phòng, chống buôn lậu nói chung và buôn lậu thuốc lá nói riêng.
Tuy nhiên, đằng sau những con số ấy là nhiều câu chuyện cần được kể!

Kỳ 1: Về vùng buôn lậu

Đi “cõng” thuốc không phải là điều xa lạ với người dân các xã biên giới. Chọn “nghề” này là chọn cách kiếm tiền tương đối “nhẹ nhàng” nhưng lại khá nguy hiểm. Có người do hoàn cảnh, cũng có người vì món lợi theo thời vụ mỗi năm.


Chị Đinh Thị Hoa ở ấp 3, xã Mỹ Quý Đông: “Nhờ có các nguồn vốn cho vay, ở khu vực này, giờ không còn ai đi cõng thuốc nữa, lo ở nhà chăn nuôi thôi!” (Trong ảnh: Cán bộ kiểm tra nguồn vốn vay ở xã Mỹ Quý Đông)

Buôn lậu vì… cuộc sống?!

Ở các xã biên giới huyện Đức Huệ, tỉnh Long An hỏi về chuyện đi chở thuốc, dường như người dân nào cũng biết. Vào những “mùa” nhất định, khi giá thuốc lá trong nước tăng, một số người tham gia buôn lậu nhỏ, lẻ hoặc tiếp tay cho các đầu nậu để kiếm lời.

Bà Liên - người dân xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, kể: “Hồi xưa, nhà tôi nghèo, ruộng chỉ làm được 1 vụ, con còn nhỏ lại hay bệnh nên ông xã tôi “liều mình” đi cõng thuốc. Đến năm 2000, được bộ đội biên phòng giúp đỡ, chồng tôi bỏ nghề”.

Cuộc sống khó khăn, vợ chồng chị Lẵm ở ấp 5, xã Mỹ Quý Đông cũng chọn nghề “đi thuốc”. Với anh, chị, đó là những ngày tháng đầy ám ảnh. Bà Chiếc - mẹ chị Lẵm, nhớ về những ngày tháng đó với nỗi lo sợ: “Hồi đó, con đi cõng thuốc, tôi ở nhà nơm nớp lo sợ, ăn ngủ không yên!”. Thời điểm đó, đôi vợ chồng trẻ chỉ mong có ít vốn làm ăn rồi bỏ nghề. Cũng có người, vẫn “bám” mãi với việc buôn lậu thuốc lá.

Trung úy Trịnh Minh Cảnh - Đội trưởng Đội Phòng, chống ma túy Đồn Biên phòng Mỹ Quý Tây, kể, đó là một phụ nữ ở xã Mỹ Quý Đông, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Bà thường xuyên bị lực lượng bộ đội biên phòng bắt quả tang vận chuyển thuốc lá lậu qua đường biên giới. Số thuốc vận chuyển không nhiều, chỉ vài cây thuốc/lần nhưng hầu như bà không bỏ được. Anh Cảnh trầm ngâm: “Chúng tôi cứ gặp bà ấy hoài. Nhưng... bắt được rồi, chúng tôi cũng không biết phải làm sao!”.

Thiếu tá Lê Trung Hiếu - Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Mỹ Quý Tây, cho rằng: “Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc người dân tham gia buôn lậu hoặc tiếp tay cho buôn lậu là một bộ phận người dân cuộc sống còn khó khăn, không có việc làm ổn định. Họ dễ bị lôi kéo tham gia buôn lậu hoặc vận chuyển thuê. Thường là nhỏ, lẻ và có tính thời vụ”.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào, người tham gia buôn lậu cũng có hoàn cảnh khó khăn. Vẫn còn nhiều đối tượng đi buôn lậu chỉ đơn giản muốn... kiếm tiền nhanh. Nhưng cái nhanh đó lại không bền vững và tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ!

Tặng “chiếc cần câu”

Xác định một trong những nguyên nhân dẫn đến việc người dân tham gia buôn lậu chính là kinh tế khó khăn, thiếu việc làm ổn định, chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng có nhiều biện pháp hỗ trợ người dân phát triển kinh tế.

Thấy khách đến thăm, bà Chiếc mời vào trong, vừa trò chuyện, vừa trông đứa cháu nhỏ đang ngủ trên võng. Đó là con của vợ chồng chị Lẵm. Giờ đây, vợ chồng chị mua bán cá nên từ rất sớm phải đi thu mua cá mang ra chợ bán. Công việc tuy vất vả nhưng ổn định. Bà Chiếc chia sẻ: “Từ khi Hội Liên hiệp Phụ nữ xã cho vay vốn, tôi là một trong những người đầu tiên được vay. Số tiền đó đưa con làm ăn. Ban đầu được vay 4 triệu đồng, dần dần, tăng lên 10 triệu đồng. Nhờ số vốn đó, con tôi mua bán cá, có tiền trang trải cuộc sống”.

Nói về hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ trên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam huyện Đức Huệ - Nguyễn Thị Rê cho biết: “Đó là Dự án Phát triển hộ cá thể do Công ty BAT và Báo Hà Nội Mới hỗ trợ. Nguồn vốn trên giúp nhiều chị em phát triển kinh tế gia đình, hạn chế tham gia buôn lậu”. Chị Đinh Thị Hoa ở ấp 3, xã Mỹ Quý Đông, khẳng định: “Nhờ có các nguồn vốn cho vay, ở khu vực này, giờ không còn ai đi cõng thuốc nữa, lo ở nhà chăn nuôi thôi!”.

Cũng như gia đình chị Lẵm, vợ chồng bà Liên ở xã Mỹ Quý Tây, khi được chính quyền hỗ trợ cũng từ bỏ con đường sai trái, xây dựng cuộc sống mới. Bà Liên kể: “Lúc đó, ông xã tôi được Đồn trưởng Đồn Biên phòng Mỹ Quý Tây giới thiệu chạy xe ôm. Rồi Nhà nước đầu tư thủy lợi, hướng dẫn khoa học - kỹ thuật, ruộng làm được 3 vụ/năm. Vợ chồng tôi quyết tâm làm ăn, bỏ “nghề” cõng thuốc”. Sau này, vợ chồng bà tiếp tục được nhận nguồn vốn cho vay ưu đãi nuôi bò. Cứ thế, vừa làm ruộng, chăn nuôi, vừa chạy xe ôm, vợ chồng bà Liên nuôi lớn 2 người con, xây được nhà kiên cố và mua thêm ruộng.

Tuy nhiên, trên thực tế, những trường hợp như bà Liên, chị Lẵm chưa phải là số đông vì nguồn vốn vay còn hạn chế, số vốn cho vay chưa nhiều và biên giới Đức Huệ vẫn là vùng “nóng” về buôn lậu.

Dự án Phát triển hộ cá thể do Công ty BAT và Báo Hà Nội Mới tài trợ hoạt động được 5 năm với tổng mức vốn cho vay hàng năm 200 triệu đồng (mỗi năm, có khoảng 20 chị em được vay 10 triệu đồng/hộ), góp phần giúp phụ nữ xã biên giới Mỹ Quý Đông có cơ hội đầu tư chăn nuôi, buôn bán, cải thiện cuộc sống./.

Phương Phương
(còn tiếp)

Chia sẻ bài viết