Tiếng Việt | English

19/09/2018 - 15:05

Các địa phương chủ động phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm

Sáng 19/9, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An tổ chức sơ kết công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm năm 2018 và triển khai kế hoạch chủ động ngăn chặn dịch tả heo châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh.

Triển khai công tác phòng, chống dịch

Năm 2018, tổng đàn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh có biến động giảm so cùng kỳ năm 2017. Hiện, toàn tỉnh có 133.387 con bò (giảm 1,1%), 7.480.600 con gia cầm (giảm 9,5%), 169.480 con heo (giảm 36%). Công tác phòng, chống dịch bệnh những tháng đầu năm còn hạn chế: Quản lý chăn nuôi chưa chặt chẽ, thông tin về dịch bệnh thiếu minh bạch, giám sát báo cáo dịch còn hạn chế, nguồn vật tư miễn phí sử dụng hiệu quả chưa cao.

Tính đến nay, tiêm phòng các loại vắc - xin: Dại (56.333 liều), tai xanh (10.510 liều), cúm (4.597.600 liều), lở mồm long móng (96.650 liều), tụ huyết trùng trên trâu, bò (11.980 liều). Bên cạnh đó, trong tháng 9, 10 năm 2018, ngành triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng ở 6 huyện vùng biên giới, trâu bò vùng đệm tại huyện Đức Hòa và đàn bò sữa trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, tuy bệnh dịch tả heo châu Phi chưa xuất hiện tại Việt Nam nhưng có nguy cơ xâm nhiễm rất cao. Theo nhận định của ngành chức năng, bệnh dịch tả heo châu Phi không gây bệnh trên người nhưng gây chết 100% heo nếu bị nhiễm, hiện chưa có vắc - xin phòng trị.

Tăng cường kiểm soát các lò giết mổ, nguồn gốc xuất xứ của heo

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là bệnh dịch tả heo châu Phi xâm nhiễm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Đinh Thị Phương Khanh đề nghị: “Thời gian tới, các địa phương cần tăng cường truyền thông về tình hình dịch bệnh; giải pháp về tổ chức sản xuất và liên kết sản xuất, thị trường tiêu thụ; kiểm soát các cơ sở giết mổ lớn, đặc biệt tại các huyện Bến Lức, Tân Trụ, Đức Hòa và thị xã Kiến Tường. Đồng thời, định hướng năm 2019, phấn đấu đàn heo đạt 230.000 con, đàn bò đạt 145.000 con, gia cầm 8 triệu con; xây dựng và củng cố các vùng chăn nuôi theo hướng VietGap; chủ động kiểm soát và khống chế được các dịch bệnh nguy hiểm; từng bước chuyển đổi cơ cấu vật nuôi và phương thức sản xuất để phát triển chăn nuôi bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu”./.

Huỳnh Phong – Như Ý

Chia sẻ bài viết