Tiếng Việt | English

25/12/2017 - 10:42

Năm 2017, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp

Năm 2017, chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Vì thua lỗ trong thời gian dài, người chăn nuôi có xu hướng giảm đàn và “cắt” vài khoản phí trong phòng, chống dịch bệnh nhằm giảm giá thành chăn nuôi. Vì vậy, nguy cơ dịch bệnh dễ phát sinh và lây lan.

Tăng cường kiểm soát cơ sở giết mổ

Gặp nhiều khó khăn

Năm qua, chăn nuôi không hiệu quả nên nhiều người ít quan tâm đến công tác phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, Luật Thú y bỏ quy định kiểm dịch nội tỉnh nên khó kiểm soát, kiểm dịch vận chuyển gia súc, gia cầm. Do đó, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp và tăng so với năm 2016. Các bệnh: Tụ huyết trùng trên trâu, bò; bệnh dịch tả, tai xanh, đóng dấu trên heo và bệnh dịch tả trên vịt xảy ra rải rác tại một số địa phương. Đặc biệt, bệnh lở mồm long móng (LMLM) serotype O liên tiếp được phát hiện trên gia súc tại một số hộ chăn nuôi và cơ sở giết mổ; ổ dịch LMLM kéo dài trong nhiều tháng.

Thời gian qua, tỉnh Long An ghi nhận: Bệnh tụ huyết trùng trên trâu, bò xảy ra tại 11 hộ thuộc 3 xã của huyện Đức Huệ; bệnh dịch tả trên heo xảy ra tại 5 hộ ở 2 xã của huyện Đức Hòa; bệnh heo tai xanh xảy ra tại 1 hộ huyện Tân Hưng; bệnh LMLM trên gia súc xảy ra tại 28 hộ chăn nuôi thuộc 11 xã của các huyện: Cần Đước, Châu Thành, Đức Huệ và Đức Hòa, với 126 con ( Đức Hòa nhiều nhất, 77 con).

Ngoài ra, heo bệnh LMLM cũng được phát hiện và xử lý tại cơ sở giết mổ ở các huyện: Tân Trụ, Bến Lức, Châu Thành, Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa (tổng số 45 con). Theo số liệu của Cục Thống kê, hiện nay, tổng đàn heo trên toàn tỉnh gần 225.000 con (giảm 25% so năm 2016); đàn bò gần 134.000 con (giảm 6%); tổng đàn gia cầm 7,658 triệu con (giảm 6,1%); đàn trâu hơn 10.600 con (giảm 12%).

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh, nguyên nhân xảy ra dịch bệnh do một số địa phương chưa quản lý được tình hình chăn nuôi trên địa bàn; đăng ký nhu cầu vắc-xin miễn phí thấp so với nhu cầu thực tế tại địa phương (đối tượng tiêm phòng miễn phí trên heo chiếm 65-70% so với tổng đàn); chưa tổ chức giám sát chặt nguồn vật tư và các kế hoạch, sử dụng hiệu quả nguồn vật tư miễn phí; tổ chức tiêm phòng chưa triệt để (chưa hết các đối tượng miễn phí), thời gian tiêm phòng kéo dài, cuốn chiếu; thiếu giám sát tình hình dịch bệnh, phát hiện chậm, báo cáo không kịp thời nên dễ lây lan.

Khi có dịch bệnh, việc khống chế, xử lý còn lúng túng, thời gian chống dịch kéo dài, hiệu quả chống dịch kém. Việc kiểm soát hoạt động giết mổ tại nhiều cơ sở còn hạn chế; cán bộ thực hiện công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ chưa thực hiện hết chức trách, nhiệm vụ được giao.

Tình hình dịch bệnh trên gia súc gia cầm diễn biến phức tạp

Tập trung tiêm phòng các bệnh bắt buộc theo quy định, cần tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm; tổ chức tuyên truyền sâu rộng về nguy cơ bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm trên đàn gia súc: LMLM, heo tai xanh, cúm gia cầm cũng như tác hại lâu dài về kinh tế, môi trường nếu dịch bệnh ở gia súc bùng phát trên diện rộng.

Cần chủ động phòng, chống dịch bệnh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, cho biết thêm: “Thời gian tới, ngành phối hợp các địa phương chuyển giao, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn và quy trình chăm sóc, chăn nuôi theo hướng VietGAP, an toàn sinh học nhằm hạ giá thành chăn nuôi; tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, thực hiện tốt các đợt tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi; tổ chức hiệu quả các đợt tiêm phòng vắc-xin miễn phí hoặc xã hội hóa (người nuôi trả tiền) nhằm hạn chế dịch bệnh; thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng giống vật nuôi, sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y theo quy định pháp luật.

Đồng thời, giám sát, đánh giá thực hiện kế hoạch, sử dụng hiệu quả nguồn vật tư miễn phí (đối tượng tiêm phòng, kỹ thuật sử dụng vắc-xin); rà soát tổng đàn để tổ chức tiêm phòng tập trung, đánh giá tỷ lệ tiêm phòng so với tổng đàn; tuyên truyền trước và trong đợt tiêm phòng nhằm nâng cao nhận thức của người chăn nuôi, từ đó tích cực tham gia các đợt tiêm phòng; tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh, báo cáo ngay về Chi cục Chăn nuôi và Thú y, đồng thời thực hiện các biện pháp khống chế, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

Trong công tác phòng, chống dịch bệnh, bên cạnh ngân sách tỉnh hỗ trợ, cần đẩy mạnh xã hội hóa trong việc tập trung tiêm phòng các bệnh bắt buộc theo quy định, cần tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm; tổ chức tuyên truyền sâu rộng về nguy cơ bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm trên đàn gia súc: LMLM, heo tai xanh, cúm gia cầm cũng như tác hại lâu dài về kinh tế, môi trường nếu dịch bệnh ở gia súc bùng phát trên diện rộng.

Năm 2018, ngành đặt ra mục tiêu, tổng đàn heo trong toàn tỉnh đạt 200.000 con, đàn trâu 11.000 con, đàn bò 150.000 con, gia cầm 8,6 triệu con./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết