Tiếng Việt | English

08/08/2022 - 14:30

Các huyện phía Nam tập trung sản xuất vụ lúa Thu Đông

Hiện nay, nông dân các huyện phía Nam của tỉnh Long An tập trung thu hoạch vụ lúa Hè Thu, chuẩn bị xuống giống vụ lúa Thu Đông (TĐ) theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp. Tuy nhiên, do thời tiết diễn biến khá phức tạp, người dân và ngành chức năng dự báo vụ lúa này sẽ gặp không ít khó khăn.

Để chuẩn bị cho mùa vụ, khâu chọn giống rất quan trọng, quyết định một phần đến thắng lợi. Đang tháo nước chuẩn bị gieo sạ vụ TĐ, ông Trần Văn Sỹ, ngụ xã Long Sơn, huyện Cần Đước, cho biết: “Gia đình tôi sản xuất 0,3ha lúa, đã chuẩn bị xong nguồn lúa giống và đang kiểm tra độ ẩm, tỷ lệ hạt lép trong giống để chờ ngày gieo sạ. Vụ này, gia đình tôi chọn giống OM 4900 vì chất lượng lúa tốt, năng suất cao, giá bán cao hơn một số loại lúa khác. Ngoài ra, giống lúa này còn có khả năng chống chọi với sâu, bệnh tương đối tốt”.

Nông dân vệ sinh đồng ruộng chuẩn bị xuống giống vụ Thu Đông 2022

Tương tự, anh Nguyễn Văn Lượm, ngụ xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ, chia sẻ: “Gia đình tôi đang chuẩn bị xuống giống 0,8ha lúa TĐ. Ngay từ đầu vụ, tôi tập trung làm đất, thực hiện đúng theo lịch thời vụ và khuyến cáo của ngành Nông nghiệp để mong đạt kết quả tốt”.

Vụ lúa TĐ quyết định rất lớn đến sản lượng lúa cả năm của tỉnh. Vì vậy, ngoài việc bảo đảm diện tích, năng suất, sản lượng thì cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tổng hợp nhằm gia tăng chất lượng lúa, gạo. Theo Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh, vụ lúa TĐ, toàn tỉnh phấn đấu xuống giống khoảng 57.300ha. Tại một số địa phương, nông dân đã xuống giống sớm với diện tích hơn 36.335ha; hiện các trà lúa ở giai đoạn mạ và đẻ nhánh.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân nên căn cứ diễn biến rầy nâu, kết hợp với chế độ thủy văn để dự kiến lịch thời vụ xuống giống vụ lúa TĐ 2022 bảo đảm né rầy và hạn chế chi phí đầu vụ. Đối với những diện tích lúa Hè Thu đã thu hoạch, cần vệ sinh đồng ruộng, cày ải phơi đất và bảo đảm thời gian cách ly giữa 2 vụ ít nhất 20 ngày nhằm cắt đứt nguồn lưu tồn sâu, bệnh cho lúa TĐ.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường khuyến cáo: “Nông dân cần thường xuyên theo dõi diễn biến của rầy di trú, tình hình nhiễm bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá trên trà lúa giai đoạn trổ chín ở các khu vực lân cận để có kế hoạch xuống giống lúa TĐ tập trung theo từng khu vực, kiên quyết không xuống giống trong khu vực có lúa nhiễm bệnh chưa thu hoạch, hạn chế thấp nhất lây lan và phát sinh, phát triển của bệnh. Song song đó, nông dân cần áp dụng tốt các giải pháp kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý nước hợp lý để lúa sinh trưởng và phát triển tốt, tăng sức chống chịu với điều kiện sâu, bệnh hại, giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận. Ngoài ra, để bảo vệ lúa trước các đối tượng dịch hại, nông dân cần tích cực thăm đồng thường xuyên, phát hiện sớm các đối tượng sâu, bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả”./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết