Tiếng Việt | English

08/11/2021 - 14:00

Chủ động phòng trừ sâu, bệnh trên lúa Thu Đông

Vụ Thu Đông (TĐ) là một trong những vụ lúa quan trọng của năm, cho năng suất, sản lượng và chất lượng cao so với các vụ khác. Để có một vụ mùa thắng lợi, từ đầu mùa vụ, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An khuyến cáo nông dân làm tốt công tác phòng trừ sâu, bệnh hại lúa.

Nông dân cần chủ động phòng trừ sâu, bệnh để có vụ Thu Đông thắng lợi

Nông dân cần chủ động phòng trừ sâu, bệnh để có vụ Thu Đông thắng lợi

Đến nay, nông dân trên địa bàn tỉnh xuống giống 56.602ha lúa TĐ với các giống lúa như Đài thơm 8, Nàng Hoa 9, RVT, OM 5451, OM 4900,...; trong đó, thu hoạch 37.849ha, năng suất khô ước đạt 50,1 tạ/ha, sản lượng 189.547 tấn. Riêng vụ lúa mùa 2021 - 2022, nông dân xuống giống được 1.550ha. Những ngày qua, các loại sâu, bệnh phát triển và gây hại trên các trà lúa TĐ giai đoạn làm đòng - đòng trổ - chín.

Hầu hết các huyện, thị xã trong tỉnh đều có diện tích lúa nhiễm bệnh đạo ôn lá, sâu cuốn lá gây hại cục bộ trên lúa đẻ nhánh, làm đòng. Bên cạnh đó, bệnh vàng lá chín sớm, bệnh đốm vằn và ốc bươu vàng cũng gây hại cục bộ trên các trà lúa TĐ ở các huyện: Thạnh Hóa, Thủ Thừa, Bến Lức, Đức Hòa, Đức Huệ, Tân Trụ và TP.Tân An. Ông Trần Cao Cường (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa) cho biết: “Gia đình tôi có 1,6ha lúa TĐ, hiện lúa trong giai đoạn trổ. Gần đây, bệnh đạo ôn lá có xuất hiện nhưng không gây thiệt hại lớn. Tôi thường dành thời gian đi thăm đồng để kịp thời phòng trừ các loại sâu, bệnh”.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Thạnh Hóa, toàn huyện có gần 2.400ha lúa TĐ, trong đó đã thu hoạch hơn 2.200ha, năng suất khô ước đạt 40 tạ/ha, sản lượng 8.916 tấn. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Kinh Kha cho biết: “Phần lớn nông dân trong huyện tuân thủ sản xuất theo lịch thời vụ nên trà lúa TĐ phát triển tốt. Huyện thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo người dân chủ động phòng trừ sâu, bệnh nhằm hạn chế những thiệt hại không đáng có”.

Thông tin từ Sở NN&PTNT, ngay từ đầu vụ, Sở đã yêu cầu các địa phương tăng cường khuyến cáo nông dân vệ sinh đồng ruộng thật kỹ trước khi gieo sạ. Bên cạnh đó, cần tập trung xuống giống từng vùng, từng cánh đồng theo lịch thời vụ gieo sạ để né rầy, tránh lũ; tuyệt đối không gieo sạ tự phát, phân tán; bảo đảm thời gian cách ly giữa 2 vụ lúa ít nhất 3 tuần. Các địa phương tùy theo điều kiện cụ thể về đất đai, thời tiết, chế độ nước, diễn biến rầy nâu để xác định thời điểm gieo sạ trong khung thời vụ chung của tỉnh. Đặc biệt, các huyện phía Nam của tỉnh cần chủ động trong việc gieo sạ, nhất là những khu vực dễ bị ảnh hưởng của triều cường và xâm nhập mặn ở cuối vụ.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Chí Thiện, các địa phương cần ưu tiên sản xuất các giống lúa phù hợp với cơ cấu mùa vụ, thị trường; chú ý các loại giống phù hợp với diễn biến nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn; tăng cường sử dụng giống xác nhận và giảm lượng giống gieo sạ còn 80 - 100kg/ha. Hướng dẫn nông dân thường xuyên theo dõi đồng ruộng để phát hiện sớm dịch hại trên cây lúa và có biện pháp phòng trừ đạt hiệu quả; nhổ và tiêu hủy cây lúa khi thấy bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá xuất hiện để tránh lây lan trên diện rộng. Ngoài ra, cần thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật bám sát đồng ruộng, đẩy mạnh công tác tập huấn để nông dân áp dụng các chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, “1 phải, 6 giảm” và củng cố hệ thống bẫy đèn, theo dõi sát các đợt rầy nâu di trú.

“Thời gian tới, Sở tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp các sở, ngành liên quan tiến hành thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp nhằm phát hiện, xử lý và ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các loại vật tư nông nghiệp không bảo đảm chất lượng, hàng gian, hàng giả trên thị trường” - ông Thiện cho biết thêm./.

Minh Tuệ

Chia sẻ bài viết