Tiếng Việt | English

21/03/2017 - 13:42

Các ứng viên Tổng thống Pháp tranh luận nảy lửa trên truyền hình

Trong cuộc chạy đua vào chiếc ghế Tổng thống Pháp, các ứng viên đã tranh luận nảy lửa trên truyền hình nhưng chưa ai thực sự bứt phá.

Tối qua 20/3, 5 ứng cử viên chính (trong tổng số 11) trong cuộc chạy đua giành ghế Tổng thống Pháp đã có cuộc tranh luận đầu tiên, kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ, nảy lửa trong nhiều chủ đề trên truyền hình Pháp, từ cái nhìn về vai trò một vị tổng thống, cải cách giáo dục, tranh cãi về tấm khăn che mặt của đạo Hồi, hay sự minh bạch trong đời sống chính trị; từ việc làm cho tới phát triển kinh tế, chống khủng bố…

Muốn trở thành một vị Tổng thống thế nào?

Là người phát biểu đầu tiên theo thứ tự bắt thăm, ứng cử viên cánh hữu Francois Fillon tuyên bố muốn trở thành vị tổng thống giúp vực dậy nước Pháp; đưa đất nước đi trên con đường để giành vị thế cường quốc số 1 châu Âu trong vòng dưới 10 năm nữa. Ông Fillon cũng tự tin nhấn mạnh rằng có thể ông là “người duy nhất” có thể tập hợp được “đa số ổn định” cho cuộc bầu cử lập pháp vào giữa tháng 6, sau bầu cử tổng thống Pháp.

Các ứng viên Tổng thống Pháp. Ảnh: Getty
Về phần mình, ứng cử viên tự do Emmanuel Macron hứa mang đến một “dự án sâu sắc, với những gương mặt mới, những cách thức thực hiện mới. Một dự án công bằng, hiệu quả và đầy hứa hẹn”.

Ứng cử viên cực tả Jean-Luc Mélenchon khẳng định mình sẽ là vị tổng thống cuối cùng của nền Cộng hòa thứ năm và ông sẽ tái định nghĩa toàn bộ các quy định và hứa sẽ đưa ra một hiến pháp mới.

Chủ tịch đảng Mặt trận quốc gia cực hữu Marine Le Pen khẳng định muốn trở thành một “nữ tổng thống của Cộng hòa Pháp; sẽ tạo điều kiện để người dân được nói tiếng nói của mình và để các quyết định được đưa ra với sự nhất trí của người dân”.

Ứng cử viên cánh tả Benoit Hamon thì nhấn mạnh muốn là một vị tổng thống chân thật và công bằng; sẽ bỏ qua trang sử của những lời hứa hẹn cũ kỹ giống nhau, lật sang trang mới của những lời hứa sẽ được thực hiện và đáp ứng nguyện vọng của người dân.

5 ứng cử viên, 5 cách nhìn về cải cách trường học

Nếu ứng cử viên Fillon nhắc lại lời hứa về việc cắt giảm số công chức – nhưng tăng lương thích đáng hơn ; thì ông Jean-Luc Mélenchon lại tuyên bố sẽ tuyển dụng thêm 60.000 giáo viên vì vấn đề trường học đang trở nên cấp bách. ứng cử viên Benoit Hamon cũng tuyên bố sẽ tuyển thêm khoảng 20.000 giáo viên. Bà Marine Le Pen thì khẳng định sẽ dành 50% thời gian giảng dạy ở trường là học tiếng Pháp; và cần loại bỏ việc học các ngôn ngữ nước ngoài của những đối tượng con lai.

An ninh - vai trò của cảnh sát - thế nào là đúng?

Về vấn đề an ninh, ứng cử viên Francois Fillon, muốn áp dụng tuổi chịu trách nhiệm hình sự hạ xuống 16 tuổi, với lập luật rằng rõ ràng có nhiều thanh thiếu niên mất sự kiểm soát về bản thân. Tuy nhiên, ứng cử viên Macron không đồng ý với quan điểm đó; mà cho rằng cần thiết lập một lực lượng sát sao an ninh hàng ngày. Ứng cử viên Benoit Hamon thì khẳng định sẽ bắt đầu bằng việc lập các trạm cảnh sát và an ninh ở gần các khu vực dân cư, tổng cộng khoảng 5000 trạm kiểm soát. Trong khi đó, ứng cử viên Jean-Luc Mélenchon lập luận cần thiết lập một hệ thống “bảo vệ của hòa bình”, trong bối cảnh cảnh sát ở Pháp thời gian gần đây bị tố cáo lạm dụng bạo lực.

Tranh cãi nảy lửa về tính phi tôn giáo và tấm khăn choàng đạo Hồi

Ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen là người có quan điểm cứng rắn nhất trong chủ đề này. Và theo bà, không chỉ cần thúc đẩy tính thế tục- phi tôn giáo mà còn phải đấu tranh chống tính cục bộ trong cộng đồng của người Hồi giáo. Bà Le Pen còn yêu cầu đưa tính phi tôn giáo vào luật lao động và chỉ trích ứng cử viên Macron ủng hộ những trang phục gây tranh cãi như áo tắm của người đạo Hồi…. Ứng cử viên cánh tả Jean-Luc Mélenchon đáp trả lại ngay quan điểm này, cho rằng không thể nào áp dụng chính sách cứng rắn về quy định trang phục trên đường phố.

Ứng cử viên cánh hữu Francois Fillon thì bày tỏ sự ôn hòa với tuyên bố rằng vấn đề chủ chốt là sự hòa nhập của cộng đồng đạo Hồi và không nên đánh đồng những người theo đạo Hồi với các phần tử cực đoan.

Đạo đức trong đời sống chính trị - Chủ đề không “lạ”

Ứng cử viên Francois Fillon – người đang gặp rắc rối lớn khi có nguy cơ bị khởi tố vì đã tạo việc làm ảo cho vợ con – nhấn mạnh rằng sẽ lập một “ủy ban chuyên đưa ra các đề xuất nhằm nâng cao tính minh bạch trong hoạt động chính trị”. Cựu Bộ trưởng giáo dục Benoit Hamon thì chỉ trích chiến dịch tranh cử Tổng thống bị vấy bẩn bởi tiền bạc và cần phải thiết lập lại đạo đức trong đời sống chính trị. Bà Le Pen chỉ mát mẻ rằng cuộc bầu cử Tổng thống giúp người dân Pháp khám phá ra rằng cho một số ứng cử viên chỉ bảo vệ những lợi ích cá nhân. Trong khi đó, lợi ích của người dân Pháp thì gần như ngược hoàn toàn với những nhóm lợi ích lớn.

Thời gian làm việc- vấn đề tiếp tục gây nhiều tranh cãi

Ứng cử viên Francois Fillon nhấn mạnh mong muốn xóa bỏ luật lao động 35 giờ và muốn các doanh nghiệp tự do thương lượng thời gian lao động. Có nhiều doanh nghiệp mà ở đó, người lao động muốn làm nhiều hơn 35 giờ một tuần.

Trong khi đó, cựu Bộ trưởng kinh tế Emmanuel Macron nhấn mạnh tình hình thực tế rất khác biệt trong các lĩnh vực khác nhau, nên cần phải có sự thảo luận và nhất trí của các doanh nghiệp về quy định giờ làm việc trong luật lao động mới.

Ứng cử viên Benoit Hamon thì nêu mức thu nhập chung đảm bảo cuộc sống, sẽ là trụ cột mới trong đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, ứng cử viên Macron đã phản bác lại đề xuất này, cho rằng như thế chỉ làm tăng thuế, và không hợp lý và thực tế. Ứng cử viên phe tả Jean-Luc Mélenchon thì vẫn muốn có “một bộ luật lao động áp dụng chung cho tất cả mọi người, để mọi người có thể sống chứ không phải chỉ tồn tại”.

Riêng bà Le Pen thì một lần nữa bày tỏ quan điểm “bài ngoại” trong chính sách lao động, khẳng định phải có một chiến lược quốc gia, “lo việc làm cho người dân Pháp, chứ không phải đi lo thúc đẩy công việc ở các nước láng giềng”. Và ông Fillon đã đáp trả lại mạnh mẽ quan điểm này của bà Le Pen, gọi bà là “Kẻ sát nhân chính của việc thúc đẩy tiêu dùng”, với việc ủng hộ ra khỏi khu vực đồng euro. Ông Fillon nhấn mạnh với chính sách đó, bà Le Pen “sẽ đẩy đất nước vào tình trạng hỗn loạn về kinh tế”.

Cuộc tranh luận đầu tiên trên truyền hình kéo dài 3 giờ đồng hồ cho thấy 5 quan điểm của 5 ứng cử viên trong mỗi vấn đề tranh luận, nhưng chưa ai thực sự bật lên một cách đột phá. Rõ rệt hơn cả vẫn là những quan điểm cứng rắn của ứng cử viên cực hữu, thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc, bài ngoại trong mọi chủ đề, bất chấp mọi sự phản đối. Riêng ứng cử viên Emmanuel Macron – nhân vật được xem là có thể tạo nên kỳ tích lịch sử - người chủ yếu được biết đến trong lĩnh vực kinh tế, thì qua cuộc tranh luận này, đã có dịp bày tỏ quan điểm trong nhiều vấn đề khác như tính thế tục, quốc phòng, an ninh… Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất với ông Macron vẫn là sự thiếu chắc chắn trong những cử tri ủng hộ ông./.

Thùy Vân/VOV-Paris 

Chia sẻ bài viết