Tiếng Việt | English

25/09/2016 - 15:27

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Hướng đi nào cho doanh nghiệp Việt?

Nhận thức rõ những thách thức cũng như biết tận dụng lợi thế, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia vào cuộc cách mạng số.

Trong tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam đã và đang tham gia nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới, mở ra không gian phát triển rộng lớn. Trong đó, công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT) được xác định là một trong những động lực quan trọng trong phát triển kinh tế , phát triển trí thức xã hội văn minh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững.

Trước ngưỡng cửa của cuộc cách mạng số - được coi là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vai trò của CNTT&TT cần phải được nâng lên tầm cao mới. Muốn vậy, cần phải nhận thức đầy đủ về những thách thức to lớn mà Việt Nam phải đối mặt, cũng như cần phải tận dụng những cơ hội về lợi thế cạnh tranh, tận dụng nguồn lực của giai đoạn “dân số vàng” cho phát triển CNTT&TT kịp thời và hiệu quả.


Ông Lữ Thành Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA)

Phân tích về cơ hội cũng như những thách thức trong phát triển CNTT&TT ở Việt Nam bên lề Diễn đàn Cấp cao CNTT&TT Việt Nam lần thứ 6, ông Lữ Thành Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), Chủ tịch HĐQT Công ty CP MISA chia sẻ:

“Cách mạng số là một cơ hội hết sức lớn lao và mạnh mẽ, giúp cho các doanh nghiệp về phần mềm của VINASA nói riêng cũng như các doanh nghiệp phần mềm của Việt Nam nói chung có cơ hội tham gia vào việc sử dụng công nghệ để làm cho cuộc sống của người dân có cơ hội được thụ hưởng những thành tựu của công nghệ một cách tốt đẹp hơn”.

Phó Chủ tịch VINASA nhận định, đã có thể nhìn thấy một cơ hội hết sức rõ ràng ở 2 vấn đề. Thứ nhất là Việt Nam là đất nước có lực lượng lao động có năng lực phát triển các sản phẩm phần mềm. Ông Long nói: “Trong cuộc cách mạng số thì phần mềm là yếu tố thông minh tạo cho thành phố thông minh, đô thị thông minh và gắn kết hệ thống này lại với nhau. Việt Nam có khả năng phát triển các ứng dụng để phục vụ cho cuộc cách mạng số này”.

Cơ hội thứ 2 cho Việt Nam đó chính là trong khi các quốc gia khác đang tích cực sản xuất ra đầu đo hay các thiết bị sensor, thì Việt Nam lại có khả năng tích cực nhập các thiết bị này để tích hợp lại với nhau, đưa phần mềm vào đã tạo nên linh hồn của những sản phẩm để phục vụ cho cuộc cách mạng công nghệ số.

Theo ông Long thì những thực tế kể trên vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp phần mềm nói riêng. “Đối với Việt Nam, sự tham gia của cuộc cách mạng số sẽ không chỉ đưa đến việc thụ hưởng thành quả của công nghệ. Người Việt còn có thể tận dụng cuộc cách mạng số để phát triển đất nước đi lên, hòa nhập với cuộc cách mạng lần thứ tư”, ông Long khẳng định chắc chắn.

Tuy nhiên theo ông Long, việc phát triển CNTT ở Việt Nam thời gian qua và trong tương lai vẫn sẽ gặp phải những thách thức lớn. Bởi thực tế, làn sóng về cách mạng số ở châu Âu thường tập trung vào lĩnh vực công nghiệp nặng như sản xuất ô tô và các thiết bị xây dựng.

Trong khi ở châu Á, những quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc hay Đài Loan… đang phát triển mạnh về những thiết bị giải trí phục vụ gia đình; Hoa Kỳ mạnh về nền tảng để tạo ra các phần mềm công cụ để tạo ra những ứng dụng… Do đó, Việt Nam đang đứng trước những thách thức, đó là phải tìm ra một hướng đi mới cho các doanh nghiệp Việt Nam để tham gia vào cuộc cách mạng số này.

Nhận định những khả năng để phát triển cuộc cách mạng số ở Việt Nam, Phó Chủ tịch VINASSA cho biết, cuộc cách mạng số diễn ra ồ ạt và đồng loạt trên mọi mặt trận và không phải sẽ bắt đầu mà đã bắt đầu.

Việc bắt đầu xây dựng cách mạng số như thế nào sẽ có nhiều cách. Nếu không thể có một lượng tiền khổng lồ để thay đổi một thành phố cũ hiện nay thành một thành phố thông minh, thì hoàn toàn có thể bắt đầu từ lĩnh vực hạ tầng cơ bản từ những khu phố thông minh, những tòa nhà thông minh hoặc bắt đầu tư lĩnh vực hạ tầng như giao thông, hệ thống cung cấp điện, nước phục vụ cho người dân được thụ hưởng giá trị.

Ngoài ra, để đáp ứng những đòi hỏi cao hơn nữa, Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện mô hình giáo dục thông minh, y thế thông minh… đó là những hạ tầng cốt lõi, đi đến quan trọng để người dân cảm nhận được và thụ hưởng được ngay giá trị của tri thức xã hội thông minh và giá trị của cuộc cách mạng số.
“Ở góc độ chính quyền, có thể nói rằng, chính quyền phải tập hợp được các lực lượng là các doanh nghiệp về CNTT lớn và mạnh ở Việt Nam để tham gia vào cuộc cách mạng này. Để tập hợp được lực lượng này, VINASA với tư cách là Hiệp hội phần mềm đang có rất nhiều doanh nghiệp hội viên, mỗi doanh nghiệp đều mạnh về một mảng hoàn toàn có thể cùng với chính quyền tham gia vào cuộc cạch mạng này”, ông Long tin tưởng./.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Chia sẻ bài viết