Trên thương trường, doanh nghiệp (DN) Việt thường bị động trong đàm phán do tình trạng tranh mua, tranh bán, thiếu liên kết.
Gã khổng lồ… ở thế yếu
Việt Nam được xem là gã khổng lồ về hạt điều của thế giới do đứng đầu cả 3 khâu: nhập khẩu (nguyên liệu), xuất khẩu (thành phẩm) và năng lực chế biến (công nghệ) nhưng thường ở thế yếu khi đàm phán với đối tác nên biên độ lợi nhuận ngày càng hẹp. Trước đây, khi Ấn Độ chi phối thị trường, giá điều thô ổn định ở mức 400-500 USD/tấn, đến khi nhiều DN Việt tham gia, tranh mua đã đẩy lên mức 1.000 USD/tấn.
Người trồng điều vẫn chưa thể khá lên dù Việt Nam được xem là cường quốc về nông sản này Ảnh: Đình Thi
Ông Vũ Thái Sơn, Giám đốc Công ty CP Long Sơn (nhà xuất khẩu điều đứng thứ 2 thế giới), cho rằng do tranh mua dẫn đến DN Việt luôn bị bên bán nguyên liệu o ép, như phải đặt cọc, đến khi nhận hàng phải trả thêm 100-150 USD/tấn hoặc chất lượng không như cam kết nhưng không được bồi thường... Trong khi đó, giá xuất đã chốt với các đối tác, rất khó điều chỉnh nên lợi nhuận không như kế hoạch. Thấy vậy, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) kêu gọi các DN liên kết để chặn đà tăng giá nguyên liệu, như cử đại diện đàm phán, định giá trần, đặt ra tiêu chuẩn điều thô, soạn hợp đồng mẫu để tránh rủi ro nhưng hiệu quả vẫn chưa như mong muốn.
Trong khi đó, theo ông Sơn, trong nước thiếu nguyên liệu nên thương lái tha hồ tưới nước, trộn tạp chất vô điều nhưng các nhà máy vẫn tranh nhau mua. Trong khi DN cạnh tranh không lành mạnh, tầm ảnh hưởng của Vinacas lại hạn chế, không tập hợp được sức mạnh của ngành. Ngay cả công ty của ông Sơn cũng không tham gia tổ chức này.
Với cá nóc xuất khẩu, dù mới thí điểm, chưa tới 10 DN tham gia nhưng cũng gặp tình trạng tương tự khiến đề án đầy tham vọng này sớm thất bại. Ông Nguyễn Quốc Bảo Anh, Giám đốc DNTN Phước Thọ (Khánh Hòa), cho biết lúc đầu, ông xuất cá nóc giá 1,5 USD/kg, đến khi nhiều DN trong nước tham gia, giá xuất giảm còn 1,2-1,3 USD/kg.
Hay mặt hàng cá tra, thời gian đầu giá xuất 4-5 USD/kg nhưng do tranh bán, giá giảm dần. Đến cuối tháng 2-2016, giá cá tra phi-lê xuất khẩu sang Mỹ chỉ còn 2-2,05 USD/kg, chưa kể bị áp thuế chống bán phá giá.
Do cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến lợi nhuận giảm, năng lực tài chính yếu, không dám trữ hàng, nhiều DN phải bán không lãi hoặc lỗ ít để xả hàng, thu hồi vốn. Theo giám đốc một công ty thủy sản, nguyên nhân sâu xa của việc thủy sản Việt Nam liên tục bị cảnh báo mất an toàn thực phẩm ở nhiều nước là do DN trong nước giảm giá xuất khiến từ nuôi trồng cho đến chế biến phải tìm cách tiết giảm chi phí dẫn đến lạm dụng hóa chất, kháng sinh.
Cần thay đổi cách làm ăn
Theo ông Từ Minh Thiện, Phó trưởng Ban Quản lý KCN Công nghệ cao TP HCM, thế giới hội nhập thì hàng rào phi thuế quan ngày càng nhiều và khắt khe hơn buộc DN phải tuân thủ nếu muốn bán hàng. “Trong cạnh tranh thì cạnh tranh về giá là tệ hại nhất. Dù thiệt hại nhiều nhưng DN Việt vẫn dìm giá nhau. “Đã đến lúc, DN Việt phải thay đổi cách làm ăn để thích ứng với hội nhập, nếu không muốn phải sớm rời thị trường” - ông Thiện nhận định.
Ông Thiện thuật lại chuyện cách đây nhiều năm khi ông tham gia đoàn công tác của ngành nông nghiệp TP HCM sang Úc đàm phán mua bò sữa giống và được một hiệp hội báo giá 1.250 USD/con. Sau đó, thành viên trong đoàn hỏi chuyện một chủ trang trại bò sữa thì được biết giá trang trại bán cho hiệp hội chỉ 850 USD/con. Thế nhưng, khi đoàn Việt Nam muốn mua cả đàn, ông chủ trang trại này nhất quyết không bán vì sợ bị hiệp hội tẩy chay, phá sản. Cuối cùng, đoàn Việt Nam phải nhập bò với giá cao.
Năm 2013, khi Úc phát hiện nhiều DN Indonesia (nước nhập khẩu lớn nhất) giết mổ động vật dã man nên dừng xuất bò sang đây. Sau đó, các nhà xuất khẩu Úc tìm đến Việt Nam bán bò cùng công nghệ vỗ béo, giết mổ. Thấy hấp dẫn, nhiều DN trong nước tham gia. Thế là giá nhập khẩu bò Úc ngày càng cao.
Hiệu quả của liên kết Không chỉ ở nước ngoài, ngay trên sân nhà, DN Việt cũng bị nhà phân phối ngoại o ép. Bà Lê Thị Thanh Lâm - Tổng Giám đốc Công ty Thương mại Saigon Food, Phó Chủ nhiệm CLB DN cung cấp hàng thủy sản cho thị trường nội địa thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - cho biết do từng DN đàm phán với siêu thị không hiệu quả nên đã liên kết lại. Theo đó, các DN chia sẻ thông tin với nhau, khi siêu thị đưa ra những điều khoản không hợp lý thì đồng lòng không thực hiện. Điển hình là đầu năm 2016, hệ thống Big C tuy đã có mức chiết khấu cao nhất thị trường nhưng vẫn đòi tăng thêm. Trước yêu cầu bất hợp lý này, 14 DN trong CLB có bán hàng cho Big C cùng yêu cầu siêu thị này giảm chiết khấu. Tiếp đó, Big C đã nhượng bộ một số yêu cầu của các DN. Theo bà Lâm, một trong những yếu tố giúp thành công trong đàm phán là sự đồng lòng. 14 DN có thị phần trên 50% ngành hàng nên có thế mạnh trên thương trường. “Sắp tới, sẽ có thêm nhiều DN tham gia CLB vì họ thấy được hiệu quả của việc liên kết” - bà Lâm nói. |
Ngọc Ánh/nld.com.vn