Tiếng Việt | English

11/11/2022 - 08:37

Cần bảo đảm quyền lợi người khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế

Những năm qua, công tác khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn tỉnh Long An diễn ra khá thuận lợi. Tuy nhiên, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế (VTYT) đã và đang xảy ra tại nhiều cơ sở y tế, ảnh hưởng lớn đến chất lượng KCB cũng như quyền lợi của người tham gia BHYT.

Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ảnh hưởng lớn đến công tác chăm sóc sức khỏe cũng như thu hút người dân đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế

Thiếu thuốc, vật tư y tế

BHYT là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng, mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần “tương thân, tương ái” của cộng đồng. Tham gia BHYT, người dân được hưởng nhiều quyền lợi về chăm sóc sức khỏe như được chi trả phần lớn chi phí khám bệnh, xét nghiệm, tiền thuốc,... khi KCB theo đúng quy định. Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội tỉnh, hiện bao phủ BHYT toàn dân đạt trên 91%. Bảo hiểm xã hội tỉnh ký hợp đồng KCB BHYT với 29 cơ sở KCB (gồm 19 cơ sở công lập và 10 cơ sở ngoài công lập). Thực hiện KCB bằng thẻ BHYT giúp người dân, nhất là những người thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo giảm bớt gánh nặng chi phí khi không may ốm đau.

Tuy nhiên, sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, ngành Y tế nói chung và các cơ sở y tế nói riêng phải đối mặt với nhiều thách thức. Hiện nay, tình trạng thiếu nguồn nhân lực, thuốc, VTYT trở thành vấn đề “nóng” của ngành Y tế và toàn xã hội. Cũng như các địa phương khác trong cả nước, công tác KCB, nhất là KCB BHYT của tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn. Tình trạng thiếu thuốc, VTYT xảy ra trong hệ thống KCB từ tỉnh đến cơ sở, nhất là thuốc BHYT.

Thiếu thuốc, vật tư y tế đang là vấn đề “nóng” của ngành Y tế và toàn xã hội

Theo Giám đốc Sở Y tế - Huỳnh Minh Phúc, tình trạng thiếu thuốc, VTYT ảnh hưởng lớn đến ngành Y tế. Nhiều trường hợp người bệnh đến bệnh viện trong tình trạng nặng phải chuyển lên tuyến trên do không đủ thuốc, VTYT phục vụ công tác cấp cứu, điều trị bệnh.

Do dịch Covid-19 diễn biến khó lường nên công tác dự báo nhu cầu thuốc, vắc-xin cho công tác KCB gặp khó khăn. Bên cạnh đó, dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, nhu cầu về dịch truyền, dung dịch cao phân tử,... tăng cao cũng ảnh hưởng đến khả năng cung ứng của các nhà thầu.

Báo cáo tại Phiên họp thứ 18 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Y tế - Đào Hồng Lan cho biết: “Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp giải quyết vấn đề về thuốc, vật tư, trang thiết bị và chế độ phụ cấp cán bộ y tế; chỉ đạo thực hiện nghiêm việc bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy trình thẩm định hồ sơ, cấp số đăng ký lưu hành trang thiết bị y tế theo hướng hậu kiểm để đẩy nhanh tiến độ nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu cung cấp trang thiết bị y tế, phục vụ công tác KCB. Đồng thời, phối hợp các bộ, ngành đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc cung ứng trang thiết bị y tế cho các cơ sở y tế, người dân, doanh nghiệp,...”.

Ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh

Là bệnh viện hạng II của tỉnh nhưng thời gian gần đây, các hóa chất xét nghiệm và một số VTYT thông thường của Bệnh viện Đa khoa Long An không đủ để phục vụ công tác KCB. Do thiếu một số thuốc trong danh mục BHYT và VTYT thông thường nên nhiều người bệnh phải mua thuốc ở ngoài. Chị Huỳnh Thị Trúc (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) chia sẻ: “Mẹ tôi nằm viện điều trị sau phẫu thuật thận ứ nước. Do có BHYT nên phần lớn chi phí điều trị được chi trả. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, gia đình tôi phải mua thêm VTYT ở ngoài do VTYT trong danh mục BHYT chi trả bị thiếu”.

Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười (thị xã Kiến Tường), việc thiếu một số thuốc điều trị các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản,... khiến người bệnh gặp khó khăn. Từ đó, ảnh hưởng lớn việc nâng cao chất lượng KCB, sự hài lòng của người bệnh.

Khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế giúp người bệnh giảm bớt gánh nặng chi phí khi không may ốm đau

Để khắc phục tình trạng trên, bệnh viện chủ động thực hiện các gói đấu thầu thuốc. Trong quá trình KCB, các bác sĩ cân nhắc sử dụng loại thuốc phù hợp để thay thế cũng như cân đối số lượng thuốc có sẵn tại bệnh viện. Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười - bác sĩ Chung Văn Kiều cho biết: “Khi tổ chức hội đồng đấu thầu thuốc tại cơ sở, bệnh viện gặp một số khó khăn như thiếu nhân lực tham gia công tác đấu thầu, vướng các thủ tục hành chính.

Đối với gói thầu thuốc quốc gia đã có hiệu lực nhưng một số công ty chưa giao hàng hoặc giao hàng với số lượng ít, không đủ yêu cầu sử dụng. Hiện bệnh viện tồn kho những loại thuốc điều trị thông thường. Một số thuốc cần thiết như Insulin, Paracetamol sủi, Natri 0,9% tiêm truyền, thuốc gây tê tủy,... đã hết. Các loại hóa chất xét nghiệm, sinh phẩm y tế, oxy y tế còn thiếu”.

Tại hội nghị với các sở, ngành, đơn vị liên quan để tháo gỡ khó khăn về thực hiện kinh phí tự chủ tại các bệnh viện, vấn đề cung ứng thuốc, VTYT và việc thanh toán BHYT (ngày 24/10/2022), Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa yêu cầu Sở Y tế tổ chức tập huấn việc đấu thầu cho các cơ sở y tế ngay trong quí IV-2022; tập trung hoàn chỉnh các gói thầu chưa hoàn thành; tăng cường nhân lực thực hiện công tác chuyên môn; hoàn chỉnh sớm phân cấp mua sắm;...

Đối với các bệnh viện, trung tâm y tế cần thực hiện đúng quy trình đấu thầu như hướng dẫn; rà soát lại các trang thiết bị cần thiết để tỉnh có chủ trương bổ sung; phân tích, đánh giá lại cơ chế tự chủ để kiến nghị điều chỉnh. Bảo hiểm xã hội tỉnh phối hợp chặt chẽ Sở Y tế và các đơn vị liên quan cân nhắc, rà soát lại các khoản đề xuất thanh toán KCB BHYT. UBND các địa phương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các cơ sở y tế trên địa bàn.

Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm hàng đầu. Với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, tin rằng, những khó khăn, bất cập trong công tác KCB BHYT sẽ nhanh chóng được khắc phục để đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế an tâm thực hiện sứ mệnh được giao; đồng thời, bảo đảm quyền lợi của người dân khi KCB BHYT./.

Việc vận động người dân tham gia BHYT có ý nghĩa quan trọng, thiết thực trong việc chăm sóc sức khỏe, nhất là với người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Tham gia BHYT còn thể hiện tinh thần “tương thân, tương ái”, mình vì mọi người, mọi người vì mình. Vì vậy, tôi tích cực tuyên truyền, vận động người dân trong ấp tham gia BHYT. Đến nay, trong ấp có trên 97% người dân tham gia BHYT”.

Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp 3, xã Tân Trạch, huyện Cần Đước - Nguyễn Thành Bân

Người dân được khuyến khích tham gia BHYT để hưởng quyền lợi khi KCB tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên, người thân của tôi có thẻ BHYT nhưng khi KCB phải mua thuốc ở ngoài. Vấn đề này khiến chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Tôi mong các cơ quan liên quan sớm có giải pháp khắc phục để bảo đảm quyền lợi cho người dân khi tham gia BHYT”.

Ông Trần Văn Bảy (phường Khánh Hậu, TP.Tân An)

Thùy Minh

Chia sẻ bài viết