Nan giải vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế
Thời gian gần đây, tại các cuộc tiếp xúc cử tri đã có nhiều ý kiến đề đạt đến đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh về tình hình thiếu thuốc tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Đây là vấn đề bức xúc của người dân và cũng là băn khoăn chung của các cấp chính quyền, ngành Y tế. Bà Lê Thị Út (xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An) đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đa khoa Long An. Bà bị bệnh tim mạch. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi đến nhận thuốc tại bệnh viện thì thường xuyên không có thuốc nên phải mua bên ngoài. Bà Út cho biết: “Tôi mong muốn các cơ quan hữu quan nhanh chóng giải quyết tình trạng thiếu thuốc để người dân an tâm, nhất là những người có thu nhập thấp để bảo đảm quyền lợi người bệnh”.
Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đang là vấn đề nan giải, đây là thực trạng chung của cả nước chứ không chỉ riêng tại Long An
Bức xúc của bà cũng là tâm trạng chung của nhiều bệnh nhân. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đang là vấn đề nan giải. Đây là thực trạng chung của cả nước chứ không chỉ riêng tại Long An. Mặc dù tỉnh có nhiều giải pháp linh động để xử lý nhưng thực trạng này chỉ mới được giải quyết một phần, cần có giải pháp căn cơ từ Bộ Y tế cùng sự phối hợp từ các bộ, ngành liên quan. Tình trạng thiếu thuốc bao gồm nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Tấn Hòa, nguyên nhân khách quan chủ yếu là các hướng dẫn về pháp lý đang có sự chồng chéo, hết hiệu lực nên gây khó khăn trong công tác thực hiện. Cụ thể, thứ nhất, việc mua sắm thuốc được thực hiện theo Thông tư 15/2019/TT-BYT, ngày 11/7/2019 của Bộ Y tế (Thông tư 15). Theo đó, Thông tư 15 có quy định tại khoản c, điểm 4, Điều 14“Khi lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đơn vị phải tham khảo giá thuốc và dược liệu trúng thầu trong vòng 12 tháng trước của các cơ sở y tế do Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) công bố trên trang thông tin điện tử để làm cơ sở xây dựng đơn giá của từng thuốc, dược liệu”. Trong khi năm 2021 do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên không có gói thầu thực hiện và phần lớn các địa phương đang sử dụng nguồn thuốc từ kết quả đấu thầu năm 2019 nên không thể có giá để tham khảo.
Đối với việc mua sắm vật tư y tế, sinh phẩm, từ ngày 31/12/2021 trở về trước, việc mua sắm được thực hiện theo Thông tư 14/2020/TT-BYT, ngày 10/7/2020 của Bộ Y tế (Thông tư 14/2020/TT-BYT hướng dẫn thực hiện Nghị định số 03/2020/NĐ-CP, ngày 01/01/2020; Nghị định số 169/2018/NĐ-CP, ngày 31/12/2018 và Nghị định số 36/2016/NĐ-CP, ngày 15/5/2016 của Chính phủ). Tuy nhiên, ngày 08/11/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022. Nghị định này bãi bỏ các Nghị định số 03/2020/NĐ-CP, ngày 01/01/2020; Nghị định số 169/2018/NĐ-CP, ngày 31/12/2018 và Nghị định số 36/2016/NĐ-CP, ngày 15/5/2016 của Chính phủ. Hiện nay, chưa có Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 98/2021/NĐ-CP nên việc đấu thầu mua sắm vật tư y tế, sinh phẩm ở các đơn vị rất lúng túng vì không có cơ sở để làm căn cứ thực hiện.
Thứ hai, do tác động bởi đại dịch Covid-19 và các yếu tố khác khiến cho chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, giá cả vật tư, nguyên liệu đầu vào gia tăng dẫn đến các mặt hàng vật tư y tế, sinh phẩm, thuốc cũng tăng cao. Bên cạnh đó, đến ngày 19/4/2022, Bộ Y tế mới gia hạn cấp phép lưu hành 6.251 mặt hàng thuốc. Khi Long An tổ chức phê duyệt và đấu thầu thì không có các đơn vị tham gia do yêu cầu về giá và các quy định khác theo Thông tư 15 của Bộ Y tế không bảo đảm.
Về lý do chủ quan, tỉnh cũng nhìn nhận rằng khi thực hiện Thông tư 15, việc đấu thầu mua thuốc đối với các cơ sở khám, chữa bệnh thì lực lượng chuyên môn chưa đảm đương được. Ngoài ra, hiện nay, có tâm lý e dè, lo ngại thực hiện các gói đấu thầu vì Thông tư 14 đã không còn hiệu lực; thông tư mới chưa được ban hành. Nếu thực hiện theo Thông tư 14 để tổ chức mua sắm thì ngành Y tế sẽ “vướng” vi phạm về pháp lý. Bên cạnh đó, việc tổ chức mua sắm thuốc, vật tư y tế trong thời gian qua còn chậm do tập trung cho công tác phòng, chống dịch. Đến năm 2022, một số bệnh có xu hướng gia tăng như bệnh về tim mạch, các bệnh đường hô hấp và gần đây là dịch bệnh sốt xuất huyết (tăng hơn 2,4 lần so với năm 2021). Từ đó, áp lực bệnh tăng, nhu cầu sử dụng thuốc cũng tăng theo.
Chủ động thực hiện các giải pháp, bảo đảm quyền lợi người dân
Trước thực trạng này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Tấn Hòa cũng khẳng định, tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp để chủ động xử lý, trong đó, UBND tỉnh chỉ đạo ngành Y tế cho điều chuyển thuốc giữa các cơ sở y tế với nhau, từ nơi còn nguồn thuốc sẽ chuyển đến nơi thiếu thuốc nhằm giải quyết cấp bách, tạm thời tình trạng thiếu thuốc.
Hiện nay, các gói thầu mua sắm thuốc, vật tư, sinh phẩm đã được UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, thời gian từ khi phê duyệt kế hoạch đấu thầu cho đến khi có kết quả trúng thầu và cung cấp phải mất từ 2 đến 3 tháng. Vì vậy, UBND tỉnh xin chủ trương cho phép các nơi đang thiếu thuốc đặc trị, cấp bách thực hiện tổ chức chỉ định thầu mua một số loại thuốc được lưu hành trên thị trường theo quy định của Bộ Y tế để phục vụ tốt nhất việc khám, điều trị bệnh cho người dân, đặc biệt là những bệnh nhân tham gia khám bệnh bảo hiểm y tế. Tất nhiên, việc mua sắm này phải bảo đảm đúng quy định pháp luật.
Tỉnh khẩn trương, chủ động giải quyết “điểm nghẽn” thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế nhằm bảo đảm quyền lợi người dân
Song song đó, UBND tỉnh cũng có văn bản kiến nghị Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính sớm có sự hướng dẫn cụ thể về hành lang pháp lý để ngành Y tế có đủ điều kiện tổ chức mua sắm đúng quy định của pháp luật và nhất là có đủ nguồn thuốc để hỗ trợ điều trị bệnh cho bệnh nhân trong tình hình hiện nay.
Tại cuộc họp sáng ngày 29/6/2022 của Bộ Y tế với các địa phương trong cả nước về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, Bộ Y tế cũng đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong thời gian qua như chủ động đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị tăng cường năng lực, hiệu quả công tác mua sắm, đấu thầu; đẩy mạnh cấp phép, quản lý giá thuốc, trang thiết bị y tế. Đồng thời, có những đề xuất, kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, chính quyền các cấp để có những giải pháp quyết liệt, cụ thể, nghiên cứu, sửa đổi những bất cập hiện nay.
Trước sự chủ động, nỗ lực của tỉnh, sự quan tâm, vào cuộc của Bộ Y tế, các bộ, ngành Trung ương, mong rằng các vướng mắc, “điểm nghẽn” trong việc mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế sẽ nhanh chóng được tháo gỡ, khắc phục tình trạng chậm trễ trong mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế, thuốc để phục vụ công tác khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh cho người dân./.
Theo báo cáo đến Bộ Y tế của 34/63 Sở Y tế, 21/39 bệnh viện tuyến Trung ương và 2 Bệnh viện trực thuộc trường Đại học, đến ngày 29/6/2022, với tình trạng thiếu thuốc, 28/34 Sở Y tế báo cáo hiện có tình trạng thiếu thuốc tại địa phương; 12/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc tại đơn vị. Trong đó, các thuốc thiếu tại cơ sở khám, chữa bệnh gồm một số thuốc kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết, thuốc nhãn khoa, vị thuốc cổ truyền.
Với tình trạng thiếu trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, hóa chất: 26/34 Sở Y tế và 15/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo hiện có tình trạng thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất; chủ yếu là hóa chất dùng xét nghiệm. Ngoài ra, 14/34 Sở Y tế và 8/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu trang thiết bị y tế như các trang thiết bị y tế chuyên sâu (thiết bị phòng mổ, thiết bị chuyên ngành thần kinh, tim mạch, nội soi tai mũi họng, mắt, tiêu hóa, hô hấp, hồi sức tích cực, thiết bị chẩn đoán hình ảnh, thiết bị xét nghiệm chuyên sâu).
|
Phạm Ngân