Nông dân thường xuyên thăm đồng
Thời gian qua, các địa phương khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng và theo dõi tình hình diễn biến sâu, bệnh, đặc biệt là rầy nâu và bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá để có những biện pháp xử lý kịp thời.
Những ngày qua, tình hình sâu, bệnh cũng diễn biến khá phức tạp: Rầy nâu diện tích nhiễm 840ha, mật độ 750-1.500 con/m2, tập trung chủ yếu trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng trổ ở huyện Đức Huệ và Tân Hưng; bệnh đạo ôn diện tích nhiễm 9.988ha, tăng 5.728ha so với tuần trước, tỷ lệ bệnh phổ biến 5-10%, tập trung trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng ở các huyện: Châu Thành, Bến Lức, Đức Hòa, Đức Huệ, Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Tân Hưng, Vĩnh Hưng, thị xã Kiến Tường và TP.Tân An; trong đó, ở Tân Thạnh có 23ha tỷ lệ bệnh 30-40%; bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá tổng diện tích nhiễm trên đồng ruộng hiện nay là 700ha, trong đó, 218ha tỷ lệ hại 5-10%, 370ha tỷ lệ hại 10-20%, 90ha tỷ lệ hại 30-40%, 22ha tỷ lệ hại 50%, xuất hiện trên lúa giai đoạn đòng trổ ở huyện Tân Thạnh và Tân Hưng.
Ngoài ra, còn có ốc bươu vàng (242ha), bệnh lem lép hạt (150ha), ngộ độc phèn (114ha), chuột (94ha), bệnh cháy bìa lá (90ha) xuất hiện rải rác.
Ông Lê Văn Duy (xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh) cho biết: “Những năm gần đây, do thâm canh, tăng vụ, nông dân gieo sạ liên tục tạo điều kiện tích lũy sinh vật gây hại trên đồng ruộng và không gieo sạ theo lịch khuyến cáo, không gieo sạ tập trung, đồng loạt, không bảo đảm thời gian cách ly giữa 2 vụ lúa. Đồng thời, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên sinh vật gây hại diễn biến phức tạp, dễ bùng phát và tái phát hơn so với những năm trước; nhất là bệnh rầy nâu trên đồng ruộng và nguy cơ xuất hiện bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá. Gia đình tôi hiện có hơn 1ha gieo sạ lúa HT đang trong giai đoạn đòng trổ, đây là giai đoạn rất dễ bùng phát bệnh nhưng do được hướng dẫn, khuyến cáo từ địa phương nên tôi đã phun thuốc phòng bệnh”.
Nông dân chủ động chăm sóc Hè Thu
Tình hình sâu, bệnh trên lúa HT nổi bật gồm có các đối tượng: Bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá khả năng lây lan bệnh rất cao; bệnh đạo ôn lá phát sinh và diện tích nhiễm có khả năng gia tăng do thời tiết có mưa nhiều, ẩm độ không khí cao, đặc biệt là mưa về chiều tối và đêm rất thuận lợi cho nấm bệnh đạo ôn phát triển, đồng thời đa số diện tích lúa ở giai đoạn đẻ nhánh rất mẫn cảm với nấm bệnh, vì thế áp lực bệnh tương đối cao.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện, thời gian tới, để vụ HT đạt hiệu quả, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền nông dân chủ động chăm sóc lúa HT, thường xuyên theo dõi đồng ruộng, phát hiện kịp thời các đối tượng gây hại khác trên lúa HT để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả; thường xuyên kiểm tra tình hình chất lượng nước trên các tuyến sông; kiểm tra, theo dõi tình hình hạn, mặn để có biện pháp trữ nước hợp lý nhằm chủ động phòng, chống hạn, mặn, kịp thời phục vụ sản xuất nông nghiệp./.
Hải Phong