Tiếng Việt | English

05/07/2016 - 15:55

Chất kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi:

Cần có biện pháp kiểm soát hiệu quả

Hiện nay, ngoài nỗi lo thực phẩm mất an toàn, người tiêu dùng còn lo lắng về tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi. Các hóa chất này ngấm vào người, lâu dần dẫn đến đề kháng thuốc, vô cùng nguy hại cho sức khỏe.

Khó khăn hiện nay là người tiêu dùng không thể nhận biết được những sản phẩm thực phẩm có tồn dư kháng sinh, chỉ trông chờ vào các nhà khoa học và kết quả phân tích của ngành chức năng.

Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường cho biết: "Để ngăn chặn tình trạng sử dụng chất kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, các ngành chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hơn nữa việc người chăn nuôi vì ham lợi nhuận mà bất chấp đạo đức, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Truy xuất từ lò mổ đến cơ sở chăn nuôi, các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, các cơ sở buôn bán, kinh doanh các mặt hàng thuốc chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản,...".

Các trang trại ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi, bảo đảm cung cấp sản phẩm chất lượng, an toàn

Theo Thông tư số 42/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), có 27 danh mục hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh (SXKD) và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam. Trong đó, chất Sabutamol, Clenbuterol (chất tạo nạc) và Auramine O (chất vàng ô) là những chất vô cùng độc hại, gây ung thư nên bị cấm sử dụng trong chăn nuôi.

Được biết, chất Sabutamol và Clenbuterol có dạng bột màu trắng, thường được sử dụng để làm giãn phế quản, điều trị hen suyễn, điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Khi trộn vào thức ăn cho gia súc, gia cầm, các chất này có tác dụng thúc cho heo lớn nhanh hơn, tỷ lệ nạc cao, màu sắc thịt đỏ hơn. Người sử dụng thịt có các chất này có nguy cơ bị ngộ độc cao và có thể gây biến chứng ung thư. Còn chất vàng ô có dạng bột màu vàng, thường được sử dụng để nhuộm vải. Chất này đứng thứ 5 trong 116 chất gây ung thư hàng đầu trên thế giới.

Để góp phần ngăn chặn tình trạng lạm dụng chất kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Đinh Thị Phương Khanh cho biết: "Sở NN&PTNT sẽ phối hợp ngành chức năng, chính quyền các địa phương tiếp tục thực hiện kiểm tra đột xuất các cơ sở SXKD thức ăn chăn nuôi, các trang trại, gia trại chăn nuôi ở các địa phương, đồng thời, công khai kết quả xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm. Bên cạnh đó, sở đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các công ty SXKD thức ăn chăn nuôi, đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn; tăng cường tuyên truyền đến các chủ trang trại, gia trại chăn nuôi và các cơ sở sản xuất, chế biến, giết mổ gia súc, gia cầm; thường xuyên lấy mẫu giám sát, cảnh báo và điều tra, truy xuất, xử lý sản phẩm ở các cơ sở SXKD thức ăn chăn nuôi vi phạm;…".

Thực tế cho thấy, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là vấn đề kiểm soát đối với các hộ chăn nuôi cá thể, người tham gia công tác giết mổ và thương lái mua bán gia súc, vì họ tự mua thuốc kháng sinh về điều trị khi vật nuôi bị bệnh, tự ý mua thuốc an thần về tiêm cho gia súc trước khi giết mổ. Mong rằng, các ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát để người tiêu dùng không bị ảnh hưởng đến sức khỏe./.

Hoàng Lê

Chia sẻ bài viết