Tiếng Việt | English

07/08/2018 - 20:34

Cần Đước: Nâng cao giá trị sản phẩm địa phương từ Phong trào OCOP

Sáng ngày 07/8, UBND huyện Cần Đước, tỉnh Long An phối hợp Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM tổ chức Tọa đàm chuyên đề Quảng bá và nâng cao giá trị sản phẩm địa phương, kinh nghiệm từ Phong trào OCOP (One commune one product - Mỗi xã, phường một sản phẩm).

Đại biểu tập trung thảo luận về xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương

Tại tọa đàm, Phó Trưởng khối Joshinetsu, Viện nghiên cứu Đạo đức Nhật Bản - Sadakata Masahhiko chia sẻ kinh nghiệm xây dựng giá trị sản phẩm trong Phong trào OVOP (One villge one product – Mỗi làng một sản phẩm) tại tỉnh Gunma, Nhật Bản. Ông Sadakata là chủ nông trang, đồng thời là nhà kinh doanh nông nghiệp kiểu mẫu tại Gunma, có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng giá trị sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.

Đại biểu tập trung thảo luận về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, định hướng đầu ra trong tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương; việc tổ chức, liên kết sản xuất và xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng bền vững;...

Lãnh đạo huyện trao đổi với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM về giải pháp đầu ra cho nông sản, phát triển sản phẩm chủ lực của huyện gắn với chương trình OCOP, xây dựng thương hiệu cho gạo Nàng Thơm Chợ Đào và lạp xưởng, đưa sản phẩm địa phương đến với thị trường trong nước và quốc tế.

Cùng ngày, đoàn tham quan, khảo sát mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao tại Hợp tác xã Rau an toàn 12 Giấy, ấp 4, xã Long Khê; tìm hiểu thuận lợi, khó khăn của hợp tác xã trong tiêu thụ sản phẩm./.

Kim Thoa

Chia sẻ bài viết