Tiếng Việt | English

27/06/2018 - 14:14

Nâng cao chất lượng nông sản - Gia tăng giá trị và sức cạnh tranh

Long An có nhiều tiềm năng và lợi thế để xây dựng, phát triển nông sản, cạnh tranh theo nhu cầu của thị trường. Song, trên thực tế, nông sản sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm (ATTP) vẫn còn nhiều hạn chế, chưa gia tăng giá trị lẫn sức cạnh tranh trên thị trường, nhất là xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Trang trại chăn nuôi bò Úc của Công ty TNHH Huy Long An (Đức Huệ) cung cấp cho Vissan đủ các tiêu chuẩn về chất lượng lẫn an toàn thực phẩm

Trang trại chăn nuôi bò Úc của Công ty TNHH Huy Long An (Đức Huệ) cung cấp cho Vissan đủ các tiêu chuẩn về chất lượng lẫn an toàn thực phẩm

Nâng cao giá trị

Hợp tác xã (HTX) Bảo tồn Phát triển giống gà tre Chấn Phong được thành lập năm 2015. Đây là đơn vị kinh tế đầu tiên trên địa bàn tỉnh thực hiện sưu tập, bảo tồn giống gà tre Việt Nam thuần chủng và phát triển thành sản phẩm có giá trị cao trên thị trường. Giám đốc HTX Bảo tồn Phát triển giống gà tre Chấn Phong - Lương Minh Quang cho biết: “7 năm qua, tôi bắt tay vào thực hiện chọn lọc giống nhằm ổn định nguồn gien và đồng bộ về kiểu hình, tính trạng của các giống gà tre. Để thực hiện mục đích này, tôi hướng dẫn và hỗ trợ người chăn nuôi kiến thức trong quá trình tạo ra sản phẩm gà tre “sạch”, thơm ngon”. Khởi đầu, HTX Chấn Phong có 1 trang trại tập trung ở phường 5, TP.Tân An và 5 trang trại vệ tinh tại các xã, huyện lân cận với tổng đàn gà 5.000 con. Hiện tại, HTX phối hợp 20 trang trại vệ tinh với tổng đàn hơn 30.000 con, cung cấp cho các nhà hàng tại TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam. Bình quân mỗi tháng, HTX cung cấp hơn 6.000 con gà đã giết mổ, đóng gói và gà tre thịt chưa qua giết mổ. Mô hình nuôi gà tre thương phẩm mở ra cơ hội cho người chăn nuôi có thu nhập ổn định. Sản phẩm gà tre của HTX bán ra đạt giá trị cao vì đáp ứng tốt các khâu kiểm định từ các cơ quan chức năng về chất lượng lẫn ATTP.

Cần Đước là 1 trong 4 địa phương được tỉnh quy hoạch 2.000ha rau ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC), phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh về chất lượng lẫn ATTP. Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện - Nguyễn Thị Cẩm Vân cho biết: “Cần Đước có 700ha rau các loại. Phước Vân, Long Trạch, Long Hòa và Long Khê là vùng quy hoạch rau ƯDCNC của huyện. Đến nay, có trên 300ha thực hiện ƯDCNC theo hình thức nhà lưới, tưới tiết kiệm, dùng phân hữu cơ vi sinh. Riêng, diện tích có chứng nhận VietGap là 30ha”.

Rau có nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm sẽ được doanh nghiệp kinh doanh đầu mối tại TP.HCM ưu tiên mua để phân phối ra thị trường

HTX Rau an toàn Việt (ấp 4, xã Long Khê, huyện Cần Đước) là một trong những HTX được chứng nhận sản xuất quy trình VietGAP trên diện tích 1ha rau ăn lá, ăn quả các loại. Giám đốc HTX Rau an toàn Việt - Nguyễn Thị Lan chia sẻ: “Khi sản xuất theo quy trình VietGap, HTX có nhiều thuận lợi, bởi được người tiêu dùng tin tưởng, chọn mua. Hiện tại, nhu cầu của người tiêu dùng tại TP.HCM tăng, do đó, tôi đang có kế hoạch mở rộng diện tích”.

Xã Thạnh Lợi hiện có diện tích chanh lớn nhất huyện Bến Lức với trên 1.870ha; trong đó, chanh không hạt chiếm phần lớn. Chủ tịch Hội Nông dân xã - Lê Thị Lệ Thanh thông tin: “Nhằm nâng cao giá trị trái chanh, theo lộ trình đến năm 2020, Thạnh Lợi có 450ha chanh ƯDCNC. Đến nay, xã có hơn 50/100ha ƯDCNC theo kế hoạch của năm 2018. Thời gian qua, khi trồng chanh ƯDCNC năng suất tăng từ 0,7-1 tấn/ha và đủ tiêu chuẩn về chất lượng, ATTP, đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp (DN) thu mua xuất khẩu sang thị trường Trung Đông, Singapore, Malaysia, Hồng Kông và châu Âu”.

Thách thức vẫn là an toàn thực phẩm

Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đạt 4,34 tỉ USD, trong đó, nông sản, thủy sản chiếm 20%. Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản đang gặp nhiều khó khăn, trong đó, có nguyên nhân nguồn nguyên liệu bảo đảm chất lượng xuất khẩu chưa bền vững, DN chưa dự đoán hết những rủi ro. Đồng thời, các nước đang gia tăng hàng rào kỹ thuật, hạn ngạch và đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng, xuất xứ hàng hóa.

Cụ thể, Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm và kiểm dịch quốc gia Trung Quốc (AQSIQ) đánh giá thực tế 31 DN xuất khẩu gạo của Việt Nam, kết quả chỉ có 22 DN đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc từ ngày 01-01-2017. Tại Long An, AQSIQ kiểm tra 5 DN, 2 chi nhánh; kết quả, chỉ có 3 DN và 2 chi nhánh được phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Long An chỉ còn 2 DN được phép xuất khẩu sang Trung Quốc (giảm 1 DN do gạo xuất khẩu phát hiện có tạp chất). Chính vì lý do này, mặt hàng gạo xuất khẩu của tỉnh có chiều hướng giảm (mặc dù lượng gạo xuất khẩu của cả nước đang tăng), trong khi thị trường Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao của tỉnh.

Đến nay, tại Long An chỉ có 2 doanh nghiệp được phép xuất khẩu gạo (Trong ảnh: Hoạt động sản xuất, chế biến lúa gạo)

Đến nay, tại Long An chỉ có 2 doanh nghiệp được phép xuất khẩu gạo (Trong ảnh: Hoạt động sản xuất, chế biến lúa gạo)

Mới đây, một DN trên địa bàn tỉnh bị đối tác từ nước ngoài thông báo hủy lô hàng xuất khẩu thanh long sang thị trường khó tính, bởi nhiễm hoạt chất Carbendazim (chất diệt nấm mốc, gây hại sức khỏe cho người dùng).

Tại buổi đối thoại kết nối cung - cầu giữa HTX và DN đầu mối tại TP.HCM, đại diện các chợ đầu mối lẫn DN cho rằng, TP.HCM đang siết chặt vấn đề ATTP, trong đó có cả rau, củ, quả, gạo, thịt heo. Nếu thực phẩm đến TP.HCM không thể truy xuất nguồn gốc, không đủ tiêu chuẩn về chất lượng lẫn ATTP sẽ bị từ chối. Đại diện Vissan, ông Nguyễn Đăng Phú thông tin vì sao đơn vị này chọn mua và phân phối bò Úc: “Không phải chúng tôi từ chối thịt bò của nông dân trong nước nhưng bò trong nước khi hút giá không thể kiểm soát được chất lượng lẫn dịch bệnh. Trong khi đó, bò Úc có đủ các tiêu chuẩn chúng tôi cần, giá cả luôn ổn định”.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện cho biết: “Hiện nay, các đối tác thu mua thanh long từ Việt Nam như EU, Trung Quốc tăng cường kiểm tra về ATTP nhằm bảo đảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật không vượt mức dư lượng tối đa của EU. Lô hàng phải kèm theo kết quả xét nghiệm. Ngoài thanh long, những mặt hàng nông sản khác tiếp tục có rủi ro nếu quy trình trồng trọt, chăn nuôi không tuân thủ theo hướng ATTP. Điều cần thiết hiện nay là phải có danh mục thuốc bảo vệ thực vật trên từng loại cây trồng. DN tham gia xuất khẩu phải tìm hiểu kỹ về các tiêu chuẩn của từng thị trường nước ngoài để tránh rủi ro”.

Phó Trưởng ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM - Từ Minh Thiện cho rằng: “Muốn phát huy tiềm năng, thế mạnh và nâng cao giá trị nông sản, người sản xuất cần tăng cường ứng dụng các giải pháp nông nghiệp thông minh, đưa khoa học và công nghệ cao vào sản xuất để tạo ra sản phẩm an toàn, gia tăng giá trị và sức cạnh tranh nông sản trên thị trường trong xu thế hội nhập”./.

Gia Hân

Chia sẻ bài viết