Tượng đài Nguyễn Thái Bình vừa là nơi tham quan, vừa là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ
1. Nếu xuất phát từ TP.HCM, du khách theo lối Quốc lộ 50 khoảng 25km, qua huyện Bình Chánh là đến địa phận Cần Giuộc. Ngay cửa ngõ của huyện, tượng đài anh hùng Nguyễn Thái Bình hiện ra trong tư thế hiên ngang như minh chứng cho truyền thống đấu tranh bất khuất của quân và dân Cần Giuộc. Tượng đài được đặt tại thị trấn Cần Giuộc, là quê hương và cũng là địa điểm tưởng nhớ người anh hùng Nguyễn Thái Bình, một trí thức trẻ, nhân vật tích cực trong phong trào phản chiến của người Việt ngay trên đất Mỹ. Anh được xem biểu tượng về lòng yêu nước của sinh viên Việt Nam trong mắt người yêu chuộng hòa bình những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Cũng trên cung đường này, cách tượng đài Nguyễn Thái Bình không xa là tượng đài Nghĩa sĩ Cần Giuộc sừng sững như nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau về tinh thần yêu nước nồng nàn, sự chiến đấu hy sinh của người nông dân nghĩa sĩ.
Gần đó là chợ Cần Giuộc với cảnh mua bán tấp nập. Nơi đây khi xưa là chợ Trường Bình, nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa của nông dân Cần Giuộc dưới sự chỉ huy của Bùi Quang Diệu trong buổi đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, trong đó nổi tiếng nhất là trận công đồn Tây Dương vào đêm 16-12-1861. Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại nhưng lòng yêu nước và ý chí chống giặc của nhân dân Cần Giuộc càng được khẳng định. Từ đây, cảm hứng bất tận của nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã được thể hiện qua bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc đầy bi tráng.
Nếu yêu thích du lịch tâm linh, du khách không nên bỏ qua ngôi chùa cổ với kiến trúc độc đáo: Tổ đình Tôn Thạnh (xã Mỹ Lộc) có bề dày lịch sử hơn 200 tuổi, được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia. Ngôi chùa này gắn liền với sự nghiệp văn chương của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Hàng năm, chùa Tôn Thạnh thu hút nhiều người, khách hành hương cũng như du lịch đến với ngôi chùa này bởi nét cổ kính cũng như lối kiến trúc độc đáo, xứng với danh xưng “Rường cột tráng lệ, vàng son huy hoàng”.
Chùa Tôn Thạnh được xem là ngôi chùa cổ nhất của Long An dù trải qua bao thăng trầm lịch sử nhưng cho đến nay, chùa vẫn giữ được nét đẹp cổ xưa. Một điểm đến khác trong hành trình khám phá vùng đất Cần Giuộc là Khu lưu niệm Trương Văn Bang, gần bến phà Tân Thanh. Khu lưu niệm là nơi thờ phụng nhà cách mạng kiên trung, người đảng viên bền bỉ vì sự nghiệp cách mạng - Trương Văn Bang; đồng thời, cũng là nơi giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử hào hùng của quê hương.
2. Sau thời gian mở cửa lại du lịch, huyện Cần Giuộc đang xúc tiến, làm mới các sản phẩm du lịch dựa trên thế mạnh sẵn có. Địa phương có rất nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn, nổi tiếng đang chờ bạn khám phá với khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, các món ngon và nét văn hóa đặc trưng ở nơi đây. Các loại hình du lịch phổ biến tại đây là cảng, tâm linh. Ngoài ra, huyện có nhiều di tích lịch sử văn hóa được hình thành từ hàng trăm năm ở vùng đất Gia Định xưa. Hiện tại, trên địa bàn huyện có 17 di tích lịch sử, 2 công trình văn hóa, trong đó có 14 di tích cấp tỉnh, 3 di tích cấp Quốc gia.
Cảng quốc tế Long An - một trong những điểm tham quan mới của huyện Cần Giuộc
Có dịp theo bạn học về xã Long Phụng, huyện Cần Giuộc, chị Lê Thị Minh Thu (quận Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ: “Nhà bạn tôi ở gần nên cuối tuần hay rủ tôi về quê chơi, sẵn chúng tôi làm một chuyến khám phá Cần Giuộc. Tôi cảm nhận nơi đây có những nét rất riêng, mặc dù tiếp giáp TP.HCM nhưng vẫn có những điểm tham quan du lịch trên sông yên tĩnh, thoáng mát, thích hợp cho những gia đình trẻ thư giãn, trải nghiệm cuộc sống miền quê vào những ngày cuối tuần. Tạm xa rời thành phố, chúng tôi làm một chuyến du lịch về Cần Giuộc, thưởng thức những sản phẩm đặc trưng, nhất là hải sản rồi đi ngắm cảnh ở cảng biển,... cũng khá thú vị”.
Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Cần Giuộc - Dương Bích Cảm cho biết, vừa qua, huyện phối hợp Trung tâm Thông tin, Xúc tiến du lịch tỉnh, doanh nghiệp du lịch, lữ hành khảo sát tuyến đường sông trên địa bàn huyện. Đây là điểm/tuyến du lịch mới trong năm nay của huyện. Theo đánh giá của các thành viên tham gia khảo sát trên tuyến đường sông, hầu hết đều hài lòng với điểm du lịch này; đồng thời, yêu cầu huyện chuẩn bị đầy đủ thủ tục pháp lý, điều kiện cần thiết cũng như bảo đảm an toàn khi đưa vào khai thác du lịch trên tuyến đường sông.
Chùa Tôn Thạnh - ngôi cổ tự tại huyện Cần Giuộc
Giám đốc Công ty Travel 24H - Lâm Tấn Huy cho biết: “Tôi nhận thấy Cần Giuộc đã đến thời điểm chín muồi để khai thác du lịch. Đoàn chúng tôi vừa tham gia khảo sát một điểm du lịch hoàn toàn mới là đường sông trên địa bàn Cần Giuộc. Khi những hình ảnh về chuyến đi được chúng tôi cập nhật, giới thiệu, quảng bá, đã có một số khách du lịch liên hệ đặt vé để được tham quan. Dự kiến, khoảng đầu tháng 6, công ty chúng tôi sẽ đưa một số khách du lịch về tham quan trên tuyến đường sông này”.
Trước đây, huyện Cần Giuộc làm du lịch chú trọng đối tượng là học sinh, cán bộ trong những chuyến Về nguồn, chủ yếu đi các khu di tích như tượng đài Nghĩa sĩ Cần Giuộc, Khu lưu niệm Trương Văn Bang, chùa Tôn Thạnh, chùa Núi, Khu di tích Cầu Kinh,... Hiện tại, huyện khai thác tuyến mới hướng đến đối tượng trẻ, khách nước ngoài.
Bà Cảm cho biết thêm, Cần Giuộc đang định hướng một số tuyến du lịch chủ yếu. Đó là tuyến du lịch tham quan tượng đài Nghĩa sĩ Cần Giuộc, chùa Tôn Thạnh, Cảng Quốc tế Long An. Tuyến thứ hai là tuyến đường sông, dự kiến đón khách từ bờ kè Cần Giuộc đi Cảng Quốc tế Long An và quay về Khu du lịch Tiến Thành. Đây sẽ là điểm dừng chân, nghỉ dưỡng, dự kiến có điểm sinh hoạt tập thể buổi tối, có thể tổ chức cắm trại, tiệc BBQ phù hợp,...
Với sự chuẩn bị chu đáo, phát huy lợi thế cùng khai thác những thế mạnh, điểm mới lạ sau thời gian dài “ngủ yên”, du lịch Cần Giuộc hứa hẹn sẽ đem đến gam màu tươi sáng trong hành trình khám phá vùng đất phương Nam./.
Như Nguyệt