Câu chuyện sân bay Tân Sơn Nhất quá tải cả dưới đất và trên trời đã từ lâu và nay lại càng “nóng” lên khi những ngày qua, nghị trường Quốc hội và dư luận nói nhiều về câu chuyện sân golf nằm trong sân bay.
Kẹt dưới đất, kẹt cả trên trời
Trong năm 2016 và đầu năm 2017, người dân và hành khách đi trên đường Trường Sơn đi vào sân bay đã nhiều lần phải đối mặt với cảnh kẹt xe kinh hoàng. Cảnh hành khách phải xuống xe giữa chừng, đội mưa, đội nắng mang vác vali, ẵm trẻ con chạy trên vỉa hè để vào sân bay cho kịp giờ đã không còn hiếm.
Sân bay Tân Sơn Nhất có mật độ hạ cánh, cất cánh quá cao khiến nhiều máy bay phải bay vòng, có trường hợp phải hạ cánh ở sân bay khác
Nhiều vụ kẹt xe kéo dài đến vài giờ và mặc dù là cơ quan chức năng đã cố gắng hết sức điều tiết, nhưng lượng người qua lại đây quá đông khiến cho cảnh ùn tắc thường xuyên xảy ra.
Đó là dưới đất, trong khi trên trời, hành khách cũng phải thường xuyên chịu cảnh máy bay bay chờ trên không dù không bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Mật độ hạ cánh, cất cánh quá cao khiến nhiều máy bay phải bay vòng, có trường hợp phải hạ cánh ở sân bay khác vì không thể bay vòng trên bầu trời quá lâu.
Điều này ngoài hành khách thì chính ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airline cũng tiết lộ là đã trải nghiệm cảm giác này. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng thừa nhận, ít khi nào suôn sẻ khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất mà thường phải chờ trên trời, dẫn đến tốn kém và không an toàn.
Đấy là minh chứng cho thấy sân bay Tân Sơn Nhất đã thực sự quá tải. Sự quá tải này càng thể hiện rõ khi theo quy hoạch gần nhất là Quyết định 3193/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải ngày 07/9/2015 thì đây là sân bay lưỡng dụng, cấp 4E, có 82 vị trí đỗ tàu bay và đáp ứng công suất 25 triệu hành khách/năm.
Tuy nhiên, ngay năm 2015 công suất đã vượt qui hoạch khi đạt 26,5 triệu hành khách và đến năm 2016 thì tăng lên 32,5 triệu lượt hành khách và được dự báo là ngày càng tăng.
Để giải quyết tình trạng trên thì Chính phủ, TP HCM và các bộ ngành đã có nhiều giải pháp. Thành phố đã khẩn cấp xây cầu vượt tại khu vực trước sân bay, tại Công viên Gia Định (đang triển khai và dự kiến hoàn thành vào tháng 7 tới), điều tiết phân luồng giao thông tại khu vực trên, kết nối xe buýt từ sân bay đến trung tâm thành phố và các bến xe…
Ngày 21/02/2017, Bộ Quốc phòng cũng đã bàn giao tạm gần 20 ha đất là sân đỗ cho các tàu bay quân sự để mở rộng thêm 30 – 35 vị trí đỗ máy bay, dự kiến khi hoàn thành trước Tết 2018 và khi ấy, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ có tổng cộng 80 vị trí đỗ và nâng cao công suất lên khoảng 40 – 45 triệu lượt khách/năm.
Tại buổi lễ ký kết, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho biết, đây là một trong những giải pháp bổ sung cấp bách rất cần thiết, giúp giải tỏa ùn tắc cả dưới đất và trên trời trong lúc chờ sân bay Long Thành. Bộ Giao thông vận tải cũng đang tích cực nghiên cứu việc điều chỉnh quy hoạch sân bay này, kết nối đồng bộ hệ thống giao thông, đồng bộ về khu bay, hệ thống nhà ga, đường giao thông tiếp cận…
“Tất cả phương án, kể cả phương án thu hồi đất quân sự phía Bắc, trong đó có sân golf để phục vụ hoạt động hàng không lưỡng dụng đều đang được đơn vị tư vấn tính toán và báo cáo giải trình cụ thể với Bộ Giao thông vận tải, với Chính phủ trong đồ án Điều chỉnh Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất”, ông Thanh nói.
Cần "giải phóng" nhanh khu vực sân golf
Nhiều ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học và đặc biệt là cử tri TP HCM đều cho rằng, hình ảnh của một sân golf hiện đại, thông thoáng ngay trong lòng một sân bay quá tải cả trên trời và dưới đất là một hình ảnh phản cảm.
Phần lớn cử tri trong các cuộc tiếp xúc đều bức xúc cho rằng, một khu đất rộng đến 157 ha thì không có lí gì lại không có khả năng giải quyết bài toán quá tải sân bay? Trong khi vị trí của khu đất này hoàn toàn có thể mở một cửa ngõ kết nối ở phía quận Gò Vấp. Qua đó phá thế độc đạo vào sân bay ở đường Trường Sơn và khi đó sẽ góp phần giải tỏa ùn tắc và có thể giải quyết nhiều vấn đề khác cả về an ninh, trật tự và cả những sự cố bất ngờ (nếu có) trong sân bay. Chưa kể khu vực trên sẽ trở thành một khu vực sân đỗ máy bay tiện dụng mà không phải đi xa.
Theo chuyên gia cao cấp Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học, kỹ thuật TP HCM, đất quốc phòng phải thận trọng khi sử dụng, tuy nhiên, nếu có những vấn đề ảnh hưởng đến quốc kế dân sinh cấp thiết thì các bên phải trao đổi để lấy đất đó phục vụ cho xã hội.
Các tuyến đường dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất luôn trong tình trạng kẹt cứng
Dẫn chứng việc xây dựng tuyến metro số 1 phải sử dụng đất quốc phòng ở Ba Son, ông Trường cho rằng, việc lấy khu đất sân golf để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất cũng rất cấp thiết, đem lại lợi ích rất lớn và phải làm ngay. Trong các buổi tiếp xúc cử tri, gặp gỡ với lãnh đạo thành phố, ông đều nêu ý kiến này và đề xuất cần phải có chủ trương nhanh, không thể chần chừ.
“Chúng tôi khẩn thiết đề nghị với Chính phủ, Quốc hội khẩn trương cho chủ trương để cho Bộ Quốc phòng cùng với UBND TP HCM, Bộ Giao thông vận tải có thêm đất để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Vấn đề rất bức xúc nên chúng tôi cũng đề nghị Nhà nước, Quốc hội có chủ trương giải phóng nhanh khu vực sân golf”, ông Trường đề nghị.
Từng công tác trong ngành hàng không hàng chục năm, cựu phi công Mai Trọng Tuấn cho biết, ông đã từng phản đối việc xây dựng dự án sân gofl trong sân bay Tân Sơn Nhất từ nhiều năm trước.
Ông Tuấn cho biết, so với trước đây, diện tích sân bay bị thu hẹp quá nhiều khi khu vực phía Đông thành khu dân cư đông đúc, phía Tây xây sân golf, còn lại làm đường sá dẫn đến sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay giống một cái vòng xoay cho người dân đi qua.
Theo ông Tuấn, giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất thì có rất nhiều cách như tận dụng sân bay Biên Hòa, biến đây thành sân bay nội địa vì nằm đúng trong trục hạ cánh và có đường băng lớn hay có thể xem đây là sân đỗ máy bay.
Trong bối cảnh thiếu chỗ đỗ máy bay trầm trọng như hiện nay, phải bàn tới việc đỗ máy bay tại các sân bay ở xa như Cam Ranh, Cần Thơ… thì lại có nghịch lý là có một sân golf nằm trong lòng sân bay, điều mà không nơi nào trên thế giới làm vậy. Nguy hại hơn, cái sân golf này với hình ảnh chất lượng cao, yên bình, rộng rãi nằm bên cạnh cảnh quá tải dễ gây bức xúc trong nhân dân, vì thế phải nhanh chóng lấy lại
“Sân bay Tân Sơn Nhất quá tải mà để sân golf với mục đích dự trữ là dự trữ cho cái gì? Giảm tải cho Tân Sơn Nhất có nhiều cách nhưng việc không để sân golf lại là việc rất cần thiết. Đấy là lòng dân. Cho nên lấy sân golf vẫn cứ lấy, đầu tư sân bay Tân Sơn Nhất vẫn cứ đầu tư, chứ không lẽ đầu tư xong lại bỏ đi Long Thành?”, ông Tuấn đặt nhiều câu hỏi.
Có thể nói, vấn đề sân golf trong lòng sân bay Tân Sơn Nhất đang là một nút thắt rất cần phải tháo gỡ, không chỉ riêng mục đích giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất mà còn là vấn đề hợp với lòng dân. Nhân dân vẫn đang trông mong vào một quyết định hợp lý, kịp thời của Quốc hội, Chính phủ./.
Hà Khánh/VOV.VN