Tuyến Quốc lộ N1 qua địa bàn tỉnh được khai thác trên cơ sở tận dụng các tuyến đường địa phương hiện hữu có quy mô nhỏ, hẹp
Nhiệm kỳ 2020-2025, bên cạnh 3 công trình trọng điểm, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) phối hợp các cơ quan liên quan tham mưu Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 13 về Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm với 8 công trình, dự án (DA) giao thông trên địa bàn TP.Tân An và các huyện trọng điểm như Bến Lức, Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc được quy hoạch kết nối đồng bộ đến các khu, cụm công nghiệp, phát triển đô thị.
Đặc biệt, trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh xác định tổ chức không gian phát triển theo mô hình “Một trung tâm - Hai hành lang - Ba vùng KT-XH - Sáu trục động lực”. Trong đó, 6 trục động lực được xác định, gồm: Trục động lực Vành đai 3, 4; Trục động lực Quốc lộ (QL) 50B; Trục động lực song hành QL61B; Trục động lực Mỹ Quý Tây - Lương Hòa - Bình Chánh; Trục động lực QLN1 và Trục động lực Đức Hòa.
Thông tin từ UBND tỉnh, bên cạnh việc tập trung triển khai các DA giao thông trọng điểm, đột phá, tỉnh kiến nghị Chính phủ sớm quan tâm bố trí vốn để tiếp tục thực hiện các DA giao thông kết nối giữa Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM, Vùng Đông Nam bộ đi các tỉnh Tây Nguyên.
Trong đó, xem xét đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Chơn Thành, tỉnh Bình Phước - Đức Hòa, tỉnh Long An - Mỹ An, tỉnh Đồng Tháp. Hiện tuyến cao tốc này đã và đang đầu tư xây dựng đoạn Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đến Chơn Thành, tỉnh Bình Phước và đoạn Mỹ An - Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi. Đến nay, đoạn từ Chơn Thành - Đức Hòa được Bộ GTVT chuẩn bị triển khai thi công.
Tuy nhiên, đoạn từ Đức Hòa - Mỹ An chưa có kế hoạch nâng cấp, mở rộng. Do đó, khi hoàn thiện các đoạn đang thi công sẽ dẫn đến không bảo đảm việc đồng bộ về quy mô trên toàn tuyến, không khai thác tối đa hiệu quả suất đầu tư. Do đó, tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan xem xét ưu tiên bố trí vốn chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2023-2025 và bố trí vốn đầu tư xây dựng giai đoạn 2026-2030.
Ngoài ra, để triển khai DA Trục động lực QLN1, tỉnh cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan xem xét, bố trí vốn đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2026-2030.
Toàn tuyến QLN1 dài khoảng 235km, từ huyện Đức Hòa qua các tỉnh: Đồng Tháp, An Giang và kết thúc tại Cửa khẩu Hà Tiên, TP.Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Đoạn qua địa bàn tỉnh dài 100,6km, điểm đầu giao với QL14C, huyện Đức Huệ; điểm cuối ranh giữa tỉnh Đồng Tháp và huyện Tân Hưng. Hiện tuyến khai thác chưa đồng bộ trên cơ sở tận dụng các tuyến đường địa phương hiện hữu có quy mô nhỏ, hẹp.
Mới đây, tại buổi làm việc với Tỉnh ủy, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính khẳng định, việc đầu tư các DA giao thông kết nối giữa tỉnh với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên cần thiết để tạo sự đồng bộ và hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt.
Thủ tướng Chính phủ giao tỉnh phối hợp Bộ GTVT nghiên cứu, đề xuất DA, phương án thu xếp nguồn vốn, trên tinh thần là Trung ương và địa phương cùng làm, tỉnh nỗ lực tăng thu, tiết kiệm chi để có nguồn lực triển khai, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, thực hiện các DA cần gắn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, làm đúng, chặt chẽ. Riêng đối với kiến nghị đầu tư DA QLN1 trong giai đoạn 2026-2030, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT tổng hợp các kiến nghị của tỉnh; trong quá trình xây dựng kế hoạch đầu tư công, xem xét thời điểm bố trí nguồn vốn để cùng tỉnh thực hiện.
Quan điểm của Chính phủ là phải huy động sức mạnh tổng hợp, không trông chờ vào nguồn vốn Trung ương, tự lực là chính để tạo không gian phát triển mới cho tỉnh./.
Kiên Định