Tiếng Việt | English

12/03/2021 - 08:10

Cần sớm khắc phục tình trạng sạt lở

Thời gian qua, tình trạng sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh Long An xảy ra ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, đòi hỏi phải có kinh phí lớn để khắc phục.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền khảo sát tình hình sạt lở tại thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức. Ảnh: Lê Ngọc

Thấp thỏm lo âu

Chưa bao giờ gia đình ông Phạm Hữu Dư, ngụ khu phố 5, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức và hơn 120 hộ dân sống dọc sông Bến Lức, đoạn qua địa bàn thị trấn Bến Lức và xã Thanh Phú, cảm thấy bất an như thời gian này. Phía sau nhà của các hộ dân ở khu phố 1, 4 và 5, mép sông đã tiến sát. Người dân phải đóng tạm cọc cừ làm kè chắn sóng hay dùng bao cát để gia cố. Nhiều ngôi nhà bị nứt tường, người dân phải đóng cửa đi thuê nhà trọ ở.

Ông Dư nghẹn ngào nói: “Sống trong vùng sạt lở, gia đình tôi và người dân nơi đây đều lo lắng nhà cửa bị cuốn trôi lúc nào không hay. Gia đình tôi đã mất hoàn toàn một căn nhà do sạt lở, còn căn nhà đang ở là mới xây lại. Biết nguy hiểm nhưng không còn lựa chọn nào khác vì cả nhà chủ yếu sống bằng nghề làm thuê nên không có khả năng mua đất ở nơi khác để xây nhà. Hy vọng chính quyền địa phương sớm xây dựng bờ kè để người dân an tâm sinh sống”.

Hiện nay, chính quyền địa phương và người dân thị trấn Bến Lức phải gia cố tạm bằng cừ để chống sạt lở

Trước đây, sông Bến Lức nhỏ, sau khi nạo vét lòng sông thì lượng phương tiện vận tải đường thủy có tải trọng lớn lưu thông trên sông ngày càng nhiều, hơn nữa, thời tiết diễn biến phức tạp đã làm phát sinh sạt lở nhiều đoạn, ảnh hưởng đến các hộ dân sống cặp sông Bến Lức. Phó Chủ tịch UBND thị trấn Bến Lức - Nguyễn Khánh Vy cho biết: “Qua khảo sát, sạt lở đã lấn sâu vào đất liền khoảng 50m. Tại các buổi tiếp xúc cử tri, người dân đều phản ánh tình trạng này nhưng nguồn kinh phí địa phương có hạn, trong khi việc xây dựng bờ kè chống sạt lở cần nguồn vốn rất lớn. Còn di dời người dân đến nơi khác thì càng khó vì người dân không đủ khả năng tài chính”.

Tại huyện Tân Thạnh, tuyến kênh Dương Văn Dương, đoạn từ xã Kiến Bình đến thị trấn Tân Thạnh bị sạt lở hàng chục điểm lớn, nhỏ, trong đó điểm sạt lở gần chân cầu Tân Thạnh đang trong tình trạng báo động, nếu không khắc phục sớm thì khả năng cây cầu sẽ rơi xuống sông bất cứ lúc nào. Ngoài ra, tuyến kênh Dương Văn Dương, đoạn qua các xã: Nhơn Hòa, Tân Lập, Nhơn Hòa Lập; tuyến kênh 12, đoạn qua các xã: Kiến Bình, Tân Bình và tuyến kênh 5000 thuộc xã Tân Ninh, tình trạng sạt lở cũng đang gia tăng về số lượng và trên diện rộng.

Tình trạng sạt lở trên tuyến kênh Dương Văn Dương, đoạn từ xã Kiến Bình đến thị trấn Tân Thạnh đang trong tình trạng báo động, nguy cơ sẽ ảnh hưởng đến tuyến Quốc lộ 62

Hiện nay, tuyến sông Vàm Cỏ Tây (đoạn từ chợ cá phường 2, TP.Tân An đến cầu mới Tân An), tình trạng xâm nhập mặn, sạt lở cũng thường xuyên xảy ra, có những đoạn sạt lở đến gần nhà dân và đường giao thông ven sông, đe dọa đến sự an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Tình trạng này khiến chính quyền địa phương bất an, mong được sớm bố trí kinh phí để khắc phục và ngăn chặn sạt lở.

Đến nay, kè chống sạt lở bờ sông Vàm Cỏ Tây (đoạn từ chợ cá phường 2 đến cầu mới Tân An) vẫn chưa được khởi công xây dựng vì nguồn kinh phí chưa bố trí được

Cần nguồn vốn khắc phục nhanh

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh, năm 2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 12 trường hợp sạt lở với chiều dài hơn 1.000m, tập trung ở huyện: Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ, Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Đức Huệ,... Riêng từ đầu năm 2021 đến nay, một số địa phương như Tân Thạnh, Bến Lức, TP.Tân An xuất hiện nhiều điểm sạt lở đang trong tình trạng báo động, cần cấp bách đầu tư xây dựng các công trình phòng, chống sạt lở.

Theo Ban Quản lý dự án Nông nghiệp (thuộc Sở NN&PTNT), năm 2020, từ nguồn vốn Trung ương và địa phương đã xây dựng nhiều công trình chống sạt lở như kè chống xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu ven sông Vàm Cỏ Tây, TP.Tân An; kè kênh Nước Mặn (phía bờ Đông), xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước; xử lý sạt lở sông Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc; kè thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ; kè chống sạt lở sông Vàm Cỏ Tây, xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An;... Dự kiến năm 2021 sẽ bố trí vốn đầu tư các công trình như Xử lý sạt lở bảo vệ Di tích lịch sử Miễu Ông Bần Quỳ, xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ; kè chống sạt lở bờ sông Vàm Cỏ Tây (đoạn từ chợ cá phường 2 đến cầu mới Tân An); chống sạt lở ven sông Vàm Cỏ Tây, khu vực Vịnh Đá Hàn, xã Hướng Thọ Phú, TP.Tân An;...

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát thực địa thi công bờ kè kênh Nước Mặn

Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh - Lê Thanh Đông thông tin: “Huyện được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh phân bổ kinh phí khoảng 310 tỉ đồng xây dựng bờ kè thị trấn Tân Thạnh (giai đoạn 2), thời gian và tiến độ xây dựng năm 2021-2024. Đây là dự án được đầu tư xây dựng nhằm chống sạt lở dọc tuyến kênh Dương Văn Dương; bảo vệ bờ sông và kết cấu hạ tầng theo tuyến, bảo đảm an toàn tuyến Quốc lộ 62 đi qua thị trấn Tân Thạnh và xã Kiến Bình; tạo cảnh quan, chỉnh trang đô thị cho thị trấn, góp phần xây dựng đô thị phát triển bền vững. Theo đó, thời gian qua, huyện vận động người dân chủ động di dời đến nơi an toàn, kiên quyết ngăn chặn người dân xây nhà cặp mé sông. Riêng những hộ bị ảnh hưởng thuộc đối tượng tái định cư, huyện tham mưu UBND tỉnh có biện pháp giải quyết kịp thời. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng kè Tân Thạnh đã hoàn thành”.

Nghe thông tin được đầu tư xây dựng bờ kè phòng, chống sạt lở, ông Huỳnh Văn Ga (Trưởng khu phố 5, phường 2, TP.Tân An) và người dân phường 2 đều phấn khởi và đồng tình di dời, giải phóng mặt bằng. Ông Ga bộc bạch: “Có bờ kè, từ cảnh quan đô thị đến đời sống người dân sẽ tốt hơn rất nhiều. Và chắc chắn khi bờ kè từ chợ cá phường 2 đến cầu mới Tân An hoàn thành không chỉ chống sạt lở mà còn giúp địa phương hoàn thành xây dựng phường đạt chuẩn đô thị loại I vào năm 2025”.

Có thể thấy, việc xây dựng các công trình phòng, chống sạt lở đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, góp phần bảo đảm cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, hiện một số điểm sạt lở cần nguồn vốn đầu tư cấp bách nhưng đến nay vẫn chưa phân bổ được kinh phí. Điều này làm chính quyền địa phương và người dân lo lắng. Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Thanh Truyền mong muốn: “Trung ương sớm hỗ trợ cho tỉnh thêm kinh phí để bố trí đầu tư hoàn thành các kè nhằm khắc phục các điểm sạt lở đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân cũng như bảo vệ các công trình phúc lợi trên địa bàn tỉnh”./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết