Người dân đến làm thủ tục thuế thu nhập cá nhân tại Cục Thuế TP.HCM ngày 25-11 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết đang giao Tổng cục Thuế rà soát các chính sách thuế thu nhập cá nhân (TNCN) để trình Chính phủ hỗ trợ cho người nộp thuế. Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội cũng như các chuyên gia đều cho rằng cần sớm sửa Luật thuế TNCN, đặc biệt là quy định về phương pháp tính mức giảm trừ cho người nộp thuế và người phụ thuộc, quy định về đối tượng phụ thuộc...
Không đủ trang trải vẫn phải nộp thuế
Những ngày gần đây, anh T.V.Phát (Hà Nội) đứng ngồi không yên sau khi nhận được thông báo của ngân hàng về việc tăng lãi suất với khoản vay mua nhà, trong khi thu nhập của anh giảm mạnh kể từ năm ngoái do dịch COVID-19.
Điều đáng nói là sau khi giảm trừ gia cảnh cho bản thân và một đứa con, thu nhập vẫn bị tạm khấu trừ 700.000 đồng tiền thuế mỗi tháng. "Dù tiền thuế phải nộp không cao nhưng thu nhập của tôi không đủ trang trải các chi tiêu, lại phải nộp thuế TNCN là quá vô lý", anh Phát nói.
Chưa hết, anh Phát cũng đang phụ nuôi mẹ đã 76 tuổi nhưng không được giảm trừ do mẹ anh có thu nhập 2,1 triệu đồng/tháng. "Với 2,1 triệu đồng/tháng, mẹ tôi không đủ trang trải tiền ăn uống sinh hoạt hằng ngày cũng như thuốc men thăm khám chữa bệnh.
Quy định người được giảm trừ phải có thu nhập bình quân không quá 1 triệu đồng/tháng được áp dụng gần chục năm nay đã quá lạc hậu, gây thiệt thòi cho người dân", anh Phát nói.
Chị N.T.V.Hồng (Nam Từ Liêm, Hà Nội) kể gần 13 năm nộp thuế từ thu nhập cao giờ là TNCN, nhưng chưa bao giờ thấy khó khăn như hai năm nay. Dù số tiền thuế TNCN phải nộp chỉ còn 20 triệu đồng/năm, giảm một nửa so với con số 40 - 45 triệu đồng/năm như cách nay tám năm, nhưng cuộc sống của gia đình chị bây giờ rất chật vật bởi có quá nhiều khoản chi tiêu không tên sau khi lập gia đình.
"Khi còn độc thân, số tiền thuế TNCN nộp gấp đôi như hiện nay nhưng tôi vẫn tích lũy được để có tiền học cao học, dành dụm được một khoản. Tuy nhiên, ba năm trở lại đây, thu nhập giảm sút cộng với tăng mức giảm trừ nên tiền thuế phải nộp có giảm, nhưng các chi tiêu như tiền học, tiền sữa cho hai con nhỏ, chi phí khám chữa bệnh cho bố mẹ đã cao tuổi... năm nào cũng tăng 5 - 10%", chị Hồng nói.
Còn chị Ph.T.Minh (Phú Nhuận, TP.HCM) cho hay học phí tiểu học được miễn nhưng tiền bán trú, học môn ngoại khóa như cờ vua, bóng rổ, tiếng Anh nâng cao... cũng ngốn hết 2,5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, các nhu cầu khác gồm tiền sữa, tiền ăn uống hằng ngày, quần áo... cho một đứa trẻ đang tuổi phát triển mà sống ở TP cũng phải mất 3,5 triệu đồng/tháng.
"Đó là chưa kể tiền cho con đi học đàn, học thêm tiếng Anh, sinh hoạt ngoại khóa... Như vậy, tổng số tiền chi phí cho một đứa trẻ ở TP cũng 6 - 7 triệu đồng/tháng. Nhưng mức giảm trừ gia cảnh người phụ thuộc theo quy định chỉ là 4,4 triệu đồng, rất xa vời với thực tiễn!", chị Minh nói.
Nguồn Bộ Tài chính - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Người nộp thuế TNCN đang chịu thiệt
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế - thừa nhận đời sống người lao động nói chung và người nộp thuế TNCN nói riêng đang gặp rất nhiều khó khăn, cần phải xem xét sửa Luật thuế TNCN càng sớm càng tốt nhằm hỗ trợ người nộp thuế cũng như nuôi dưỡng nguồn thu.
Bởi trong hai năm dịch COVID-19 bùng phát và đến năm nay, chi phí giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu như giá nhà, học phí, viện phí... đều tăng mạnh, khiến thu nhập của người dân bị bào mòn.
Thu nhập không tăng, thậm chí giảm nhưng chi phí ăn, ở, đi lại trong gia đình, học hành của con... đều tăng. Trong khi đó, cách xác định tiền thuế chỉ căn cứ vào thu nhập, áp vào để tính thuế là không hề ổn, gây thiệt thòi cho người nộp thuế TNCN.
"Người nộp thuế TNCN cũng là đối tượng quan trọng trong khâu tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ. Khi thu nhập giảm sút, họ sẽ hạn chế chi tiêu, doanh nghiệp sản xuất sẽ gặp khó và nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng", ông Long nói.
Một chuyên gia trong lĩnh vực thuế cũng thừa nhận Luật thuế TNCN có quá nhiều bất cập, chẳng hạn như đầu tư chứng khoán, bất động sản lỗ vẫn phải nộp thuế. Trên thị trường, nhiều cổ phiếu giảm 70 - 90% trị giá so với hồi đầu năm.
Giá mua, giá bán đều rất minh bạch trên hệ thống điện tử. Nhưng kinh doanh lỗ, nhà đầu tư vẫn phải nộp thuế. "Điều này cho thấy chính sách thuế đối với thu nhập từ đầu tư chứng khoán, bất động sản không đúng với bản chất của sắc thuế này. Vì đã là thuế thu nhập thì có lợi nhuận mới nộp thuế", vị này nói.
Người dân đến làm việc tại Chi cục Thuế quận 1, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Trong khi đó, có những quy định rất vô lý như cách tính thuế đối với khoản thu nhập trúng xổ số. Người chơi may mắn trúng vài tỉ đến vài trăm tỉ đồng cũng chỉ nộp thuế TNCN mức 10% sau khi trừ đi 10 triệu đồng.
Nhưng với người lao động, làm công ăn lương, mức thuế cao nhất lên tới 35%. Do đó, theo vị này, Bộ Tài chính cần sớm rà soát các bất cập trong luật thuế này để đề xuất Chính phủ, trình Quốc hội sửa đổi càng sớm càng tốt. Theo một số chuyên gia, cần giảm mức thuế ở bậc thuế đầu tiên xuống 1 - 1,5% để giảm gánh nặng cho người nộp thuế.
Theo ông Long, việc so sánh với các nước phát triển, rằng khoản thu thuế TNCN đóng góp 30 - 40% tổng thu ngân sách nhưng ở Việt Nam mới đạt 9%, là rất khập khiễng. Bởi tại các quốc gia này, chi phí học hành, khám chữa bệnh... đều miễn phí.
"Ngoài khoản giảm trừ gia cảnh một mức nhất định, người dân vẫn được trừ tiền mua nhà, lãi vay ngân hàng... trước khi tính thuế TNCN. Còn ở Việt Nam, khoản giảm trừ gia cảnh chưa đủ chi tiêu nhu cầu thiết yếu. Người nộp thuế còn không được trừ tiền mua nhà, tiền học cho con, khám chữa bệnh cho bản thân...", ông Long nói.
Chưa nhân văn với người bệnh nặng
Từ hai năm nay, chị H.Vân (Quảng Ninh) phải xạ trị ung thư tuyến giáp, với chi phí khám và điều trị hằng tháng là 6 triệu đồng, chưa kể ăn uống theo chế độ người bệnh, tiền mua thêm thuốc bên ngoài. Dù các chi phí này đều có hóa đơn chứng từ của bệnh viện nhưng số tiền mà chị Vân được trừ chỉ bằng đúng số tiền thuế TNCN phải nộp là 750.000 đồng/tháng.
Do thấy quá vô lý, chị V. tìm hiểu mới biết rằng theo quy định của Luật thuế TNCN và điều 5 của nghị định 65 năm 2013, người nộp thuế mắc bệnh hiểm nghèo ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế thì được xét giảm thuế tương ứng với mức độ thiệt hại nhưng không vượt quá số thuế phải nộp!
"Gần 20 năm qua, tôi luôn nộp thuế đầy đủ từ khi Việt Nam có pháp lệnh thuế thu nhập cao nay là Luật thuế TNCN. Nhưng đến khi bị mắc bệnh hiểm nghèo, sức khỏe suy kiệt, vậy mà tiền thuế được trừ chỉ bằng 5 - 10% chi phí điều trị không chỉ vô lý mà còn thiếu tính nhân văn", chị Vân bức xúc.
PGS.TS ĐINH TRỌNG THỊNH (Học viện Tài chính):
Lấy CPI làm thước đo để điều chỉnh mức giảm trừ là không phù hợp
Nhiều quy định của thuế TNCN đang quá lỗi thời, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống dân sinh. Do đó, cần cấp bách thay đổi ngay mức chịu thuế, mức giảm trừ gia cảnh để phù hợp với mức sống hiện nay của xã hội.
Theo quy định, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng trên 20% mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh. Với mức lạm phát của Việt Nam khoảng 3 - 4%/năm, phải mất 5 - 6 năm mới điều chỉnh mức giảm trừ cho người lao động là không phù hợp.
Trong khi đó, mức tăng CPI hằng năm ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người nộp thuế rồi. Do đó, Chính phủ cũng như các cơ quan nên xem xét chỉ cần CPI tăng 10% hoặc cần thiết có thể tiến tới điều chỉnh mức này hằng năm để tốt hơn.
Việc lấy CPI làm thước đo điều chỉnh mức tính thuế TNCN, giảm trừ gia cảnh cũng không phù hợp. Bởi nền kinh tế phát triển, GDP tăng, thu nhập bình quân tăng dẫn tới mặt bằng sống tăng lên. Vì thế, mức điều chỉnh cần lấy CPI cộng với mức tăng trưởng GDP và mức tăng đời sống của người dân để đảm bảo người chịu thuế phù hợp với mặt bằng chung đời sống xã hội.
Ngoài ra, với mức 11 triệu đồng/tháng hiện nay không đủ sống ở đô thị nên không thể coi đó là mức thu nhập cao để làm mốc phải đóng thuế. Vì vậy các cơ quan nên tính toán nâng lên, mức thu nhập tối thiểu phải đóng thuế nên để ở 15 - 20 triệu đồng/tháng.
T.CHUNG
Chị Hương Giang (quận Phú Nhuận) đến Cục Thuế TP.HCM để được hướng dẫn nộp thuế online - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
LS TRẦN XOA (giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang):
Mức giảm trừ gia cảnh cần điều chỉnh hằng năm
Không chỉ năm nay mà hầu như năm nào số thu thuế TNCN cũng vượt chỉ tiêu so với năm trước. Thế nhưng, trong những năm dịch COVID-19 vừa qua, người làm công ăn lương ngày càng khó khăn nhưng vẫn chưa có chính sách hỗ trợ.
Nhiều người từ chỗ thu nhập khá nay bị giảm lương, mất việc. Trong khi đó, các doanh nghiệp gặp khó khăn đã được hưởng rất nhiều chính sách hỗ trợ trong suốt hai năm qua.
Để đảm bảo công bằng cho người nộp thuế TNCN, tôi đề nghị nên sớm sửa Luật thuế TNCN theo hướng giảm thuế suất thuế TNCN từ mức cao nhất là 35% xuống còn 25% đồng thời kéo giãn các bậc thuế trong biểu thuế lũy tiến từng phần để giảm bớt gánh nặng cho người nộp thuế.
Ngoài ra, nếu có thu nhập hằng tháng từ 1 triệu đồng cũng phải được xem là người phụ thuộc, bởi mức này chỉ bằng 1/3 so với tiêu chuẩn hộ nghèo tại TP.HCM và cũng không ai có thể sống với mức thu nhập này.
Nhằm hỗ trợ người nộp thuế cũng như nuôi dưỡng nguồn thu, tôi đề nghị sớm sửa quy định bất hợp lý này vì người nộp thuế hiện nay cũng đã quá khổ sở rồi. Nếu chờ chỉ số giá tiêu dùng biến động 20% so với thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất, Chính phủ mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để điều chỉnh, theo như quy định của Luật thuế TNCN, sẽ gây bất lợi cho người nộp thuế.
Tôi cho rằng mức giảm trừ gia cảnh cần được điều chỉnh hằng năm. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng năm trước biến động bao nhiêu sẽ điều chỉnh giảm trừ gia cảnh cho kỳ tính thuế tiếp theo là bấy nhiêu.
A.HỒNG
|
Theo Tuổi Trẻ