Hiện nay, tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em ngày càng gia tăng về mức độ và vụ việc. Đáng báo động nhất là tình trạng đánh đập, quấy rối, hiếp dâm, lạm dụng tình dục, bóc lột sức lao động trẻ em. Vấn đề này gây nhức nhối, bức xúc trong dư luận và để lại nỗi đau dai dẳng cho trẻ em và gia đình.
Có thể nói, tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em gia tăng do sự ảnh hưởng của phim ảnh không lành mạnh, sự buông lỏng quản lý và giáo dục từ gia đình, nhà trường và xã hội. Nhiều bậc phụ huynh thiếu quan tâm con; nhà trường chưa có giải pháp khả thi để giáo dục các kỹ năng phòng ngừa, giúp trẻ nhận biết và phòng tránh nguy cơ bị xâm hại. Ngoài ra, sự lỏng lẻo và những bất cập trong hệ thống pháp luật cũng chưa đủ sức răn đe đối với những hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.
Để phòng, chống xâm hại trẻ em, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn nạn xâm hại trẻ em và những hậu quả của nó. Ngoài ra, tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em; trang bị kiến thức, kỹ năng sống, giúp các em có thể tự phòng, chống và tự vệ. Bên cạnh đó, phát huy tối đa vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc phát hiện, hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi cho trẻ em. Đồng thời, các cấp, các ngành, địa phương tổ chức nhiều sân chơi lành mạnh, thu hút các em tham gia sinh hoạt nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo và tự tin, qua đó các em được bày tỏ chính kiến của mình và trang bị kỹ năng sống. Tiếp tục hoàn thiện các văn bản của hệ thống pháp luật, các chính sách về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tạo điều kiện cho mọi trẻ em có cơ hội bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội, bảo đảm môi trường sống, học tập an toàn, lành mạnh.
Bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội, sự phối hợp đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và xã hội cùng sự vào cuộc quyết liệt của cộng đồng.Tất cả cùng “Hành động vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em”./.
Khôi Nguyên