Tiếng Việt | English

27/05/2022 - 22:10

Cần Thơ: Hơn 1.060 tỷ đồng cho cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng

UBND Cần Thơ cho biết số tiền trên được lấy từ nguồn vốn ngân sách địa phương thuộc kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 chưa phân bổ chi tiết; trong đó năm 2022 sẽ là 200 tỷ đồng.


Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Cần Thơ Phạm Văn Hiểu phát biểu bế mạc kỳ họp. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Chiều 27/5, tại kỳ họp thứ 5 (kỳ họp chuyên đề), Hội đồng Nhân dân thành phố Cần Thơ khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã biểu quyết thông qua Tờ trình về việc bố trí vốn ngân sách địa phương thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tham gia thực hiện, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thuộc dự án thành phần 2 của Dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng (giai đoạn 1).

Báo cáo với Hội đồng Nhân dân thành phố Cần Thơ, ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết việc đầu tư dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng là hết sức cần thiết, nhằm mục tiêu tăng cường khả năng kết nối giao thông, vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố trong vùng.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 418/CĐ-TTg ngày 16/5/2022, trong đó yêu cầu Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố có trách nhiệm trình Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn ngân sách địa phương cam kết tham gia các dự án thành phần, số vốn yêu cầu địa phương cam kết cụ thể được nêu tại Thông báo số 702/TB-BCSĐCP ngày 31/3/2022 của Ban Cán sự Đảng Chính phủ kết luận về chủ trương đầu tư đường cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, đường cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu là tối thiểu 50% kinh phí giải phóng mặt bằng của dự án.

Theo nội dung Tờ trình số 156/TT-CP ngày 30/4/2022 của Chính phủ, chi phí giải phóng mặt bằng của dự án thành phần 2 của tuyến cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ Sóc Trăng (thuộc địa bàn thành phố Cần Thơ) là 2.123 tỷ đồng. Như vậy, số vốn tối thiểu cần cam kết của Cần Thơ tham gia dự án thành phần 2 là 1.061,5 tỷ đồng, từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ cho biết số tiền trên được lấy từ nguồn vốn ngân sách địa phương thuộc kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 chưa phân bổ chi tiết; trong đó dự kiến năm 2022 sẽ bố trí 200 tỷ đồng, còn lại 861,5 tỷ đồng sẽ được bố trí vào năm 2023.

Trong quá trình thực hiện, trường hợp có phát sinh làm tăng tổng mức đầu tư của dự án, Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ sẽ trình xin ý kiến Hội đồng Nhân dân thành phố về việc bố trí vốn ngân sách địa phương để tham gia thực hiện theo yêu cầu của Chính phủ.

Cho ý kiến thống nhất với nội dung Tờ trình của Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, đại biểu Nguyễn Trường Thọ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cờ Đỏ cho biết, tuyến cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng đi qua huyện Cờ Đỏ, kết nối với tuyến Đường tỉnh 922 là cơ hội rất lớn để huyện phát triển kinh tế-xã hội, góp phần vào sự phát triển chung của thành phố.

Tuyến đường này là sự mong đợi của cử tri, nhân dân huyện Cờ Đỏ bởi khi tuyến cao tốc hình thành sẽ thuận lợi cho người dân trong việc đi lại, đặc biệt là vận chuyển hàng hóa nhanh chóng, góp phần giảm chi phí, giảm giá thành xuất khẩu, từ đó sẽ giúp các mặt hàng nông sản của địa phương được tiêu thụ tốt hơn, giúp người dân tăng thêm thu nhập.

Cũng theo ông Nguyễn Trường Thọ, dự án sử dụng vốn rất lớn (hơn 44.000 tỷ đồng) nên Chính phủ đề nghị địa phương bố trí vốn bồi thường, hỗ trợ, tái định cho người dân bị ảnh hưởng để dự án được sớm triển khai thực hiện là hợp lý.

Phát biểu tại kỳ họp, ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Cần Thơ đề nghị Thường trực Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố ngay sau kỳ họp khẩn trương hoàn thành các hồ sơ, thủ tục để trình Thủ tướng Chính phủ Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân thành phố Cần Thơ về phân bổ ngân sách địa phương thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021-2025 để tham gia thực hiện dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Phạm Văn Hiểu cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố quan tâm chỉ đạo các sở, ngành khẩn trương, tích cực hơn trong công tác chuẩn bị các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết theo đúng quy định để phục vụ cho kỳ họp thường lệ giữa năm của Hội đồng Nhân dân thành phố, dự kiến diễn ra vào đầu tháng Bảy tới.

Cũng tại kỳ họp thứ 5, Hội đồng Nhân dân thành phố Cần Thơ đã bỏ phiếu bầu ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo làm Ủy viên Ủy ban Nhân dân thành phố; biểu quyết cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Huỳnh Văn Ri, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Cần Thơ.

Trước đó, ông Huỳnh Văn Ri đã được Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh./.

Thanh Liêm (TTXVN/Vietnam+)

Chia sẻ bài viết