100% xã đã hết dịch
Mặc dù các địa phương trên địa bàn tỉnh công bố hết dịch nhưng theo báo cáo của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các tỉnh, thành phố trên cả nước, DTHCP tiếp tục xảy ra tại một số địa phương, trong đó có hiện tượng DTHCP tái phát một hoặc nhiều lần tại các xã đã qua 30 ngày của nhiều tỉnh, thành phố: Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hà Nội, Hà Tĩnh, Quảng Nam,... Vì vậy, nguy cơ DTHCP tiếp tục tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao, đặc biệt trong điều kiện nuôi tái đàn, tăng đàn heo ngày càng gia tăng, trong khi việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học ở các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ vẫn còn hạn chế.
Người chăn nuôi chú trọng công tác chăm sóc đàn heo trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh
Trước tình hình trên, tỉnh Long An đang khẩn trương thực hiện các biện pháp tái đàn an toàn và ngăn chặn, kiểm soát DTHCP tái phát, lây lan. Theo số liệu của Cục Thống kê, tính đến nay, tổng đàn heo toàn tỉnh khoảng 70.000 con. Người chăn nuôi tại các địa phương trong tỉnh đang đẩy mạnh việc tái đàn. Nhờ thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn trong công tác tái đàn và phòng, chống dịch bệnh nên đến nay chưa phát hiện ổ bệnh DTHCP tái phát trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, thời gian tới, nhu cầu tái đàn của người dân rất lớn do giá heo thịt tăng cao, chăn nuôi heo đang có lãi. Trong khi đó, nguồn heo giống trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, phải nhập thêm từ ngoài tỉnh cùng với ảnh hưởng của điều kiện thời tiết bất lợi, nắng nóng kéo dài làm giảm sức đề kháng của đàn heo khiến DTHCP có nguy cơ cao tái phát và lây lan, nhất là ở quy mô chăn nuôi nông hộ nhỏ, lẻ.
Theo ông Trần Văn Linh, ngụ xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, trong đợt dịch vừa qua, đàn heo của gia đình ông được phòng ngừa kỹ càng, vậy mà hơn 770 con đã “đi gần hết”. “Hiện nay tái đàn, tôi áp dụng kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, thực hiện nghiêm ngặt quy trình từ khâu vệ sinh chuồng trại, tiêu độc, khử trùng, lựa chọn thức ăn chất lượng nên đàn heo phát triển khỏe mạnh. Để bảo vệ đàn heo trước nguy cơ DTHCP tái phát và lây lan, tôi hạn chế cho người lạ vào trang trại; người ra, vào khu vực chăn nuôi đều phải sát trùng trong buồng khử khuẩn; thương lái đến thu mua heo phải đậu xe cách trang trại 1km, các con heo sẽ được trung chuyển ra tận nơi” - ông Linh nói.
Đối với các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ thì không có điều kiện đầu tư những chuồng trại đúng tiêu chuẩn chăn nuôi an toàn sinh học. Tuy nhiên, người chăn nuôi vẫn ý thức cao thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học để bảo vệ đàn heo, không để tái phát DTHCP. Bà Dương Thị Sương, hộ chăn nuôi heo tại xã Đức Tân, huyện Tân Trụ, chia sẻ: “Vì không có điều kiện đầu tư chuồng kín nên tôi rất chú trọng bảo vệ đàn heo khỏi những nguồn lây như sát trùng kỹ khu chuồng trại trước khi thả heo giống; nuôi heo với mật độ thưa; phủ lưới kín xung quanh chuồng không để chuột, ruồi, muỗi tiếp xúc với đàn heo”.
… Vẫn chủ động phòng, chống
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh, thời gian qua, cùng với tập trung chỉ đạo công tác tái đàn heo khôi phục chăn nuôi, UBND tỉnh, ngành nông nghiệp chỉ đạo các địa phương thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi.
Để chủ động phòng, chống bệnh tái phát, nhằm ổn định sản xuất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung cho ngành nông nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành tỉnh và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ - Trịnh Đình Dũng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tập trung phòng, chống bệnh DTHCP tái phát, lây lan diện rộng; đồng thời, tiếp tục thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện việc tái đàn, tăng đàn heo đảm bảo an toàn sinh học trên địa bàn tỉnh.
Song song đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu, rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh cơ sở,... về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, nguy cơ dịch tái phát; các biện pháp phòng, chống dịch, chăn nuôi an toàn sinh học theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm hạn chế đến mức thấp nhất dịch tái phát gây thiệt hại cho sản xuất, nhân rộng mô hình và hướng dẫn chăn nuôi heo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời ổ dịch mới phát sinh (nếu có) tại địa phương; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, bán chạy, giết mổ, vứt xác heo ra môi trường làm lây lan dịch bệnh; báo cáo kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh từ cấp ấp đến cấp xã, huyện theo đúng quy định của Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện kê khai với UBND cấp xã khi tái đàn theo đúng quy định; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người chăn nuôi đẩy mạnh việc tái đàn, tăng đàn theo nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh./.
Huỳnh Phong